Dự án Khu Công nghiệp Tô Châu (Suzhou Industrial Park –
SIP) đã cất cánh với sự hăm hở của cả hai phía, nhưng chúng tôi
sớm gặp phải những khó khăn. Đã xảy ra một sự bất đồng về
mục tiêu giữa trung ương (Bắc Kinh) và địa phương (Tô Châu).
Các lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh hiểu rằng bản chất của dự án
là sự chuyển giao kiến thức của chúng tôi về phương cách hoạch
định, xây dựng và quản lý một khu công nghiệp, thương mại và
dân cư tổng thể vốn có thể thu hút những nhà đầu tư nước
ngoài chất lượng cao. Các quan chức Tô Châu đã đi chệch khỏi
mục tiêu chính này và bị lạc lối bởi những nguồn lợi thiển cận.
Chúng tôi muốn chỉ cho họ cách thức mà Singapore đã làm, chú
trọng vào kỷ cương tài chính, việc quy hoạch tổng thể dài hạn
và dịch vụ liên tục cho những nhà đầu tư. Đó chính là phần
mềm của chúng tôi. Họ muốn “phần cứng” như nhà cửa, đường
sá, cơ sở hạ tầng mà chúng tôi có thể xây dựng và những đầu tư
giá trị cao mà chúng tôi có thể thu hút bằng những quan hệ và
uy tín toàn cầu của chúng tôi. Họ không chú trọng vào việc học
và tạo ra một môi trường kinh doanh nhà nghề; cũng như
không chọn những quan chức đầy hứa hẹn được đào tạo để thay
thế chúng tôi. “Phần cứng” mang lại trực tiếp và ngay tức thì
những lợi ích cho Tô Châu và công trạng cho các cán bộ của họ;
Bắc Kinh muốn “phần mềm” nhằm mở rộng những nguồn lợi
của Tô Châu ra các thành phố khác thông qua việc áp dụng
những thực tiễn kinh doanh nhà nghề của Singapore.
Thay vì trao cho SIP sự quan tâm và hợp tác hoàn toàn như
đã hứa hẹn, họ dùng mối liên kết với Singapore để đẩy mạnh
khu công nghiệp riêng là khu quận mới Tô Châu (Suzhou New
District – SND) do họ kiểm soát, chào giá đất đai và cơ sở hạ tầng
thấp hơn SIP. Điều này làm cho SIP ít hấp dẫn hơn SND. Rất may
là nhiều công ty đa quốc gia (MNC) lớn đánh giá cao sự liên