Sự cố gắng của tôi nhằm đổi mới giới lãnh đạo không phải là
không căng thẳng. Một vài Bộ trưởng cố cựu
quan ngại tiến
trình mà họ đang bị thay thế. Toh Chin Chye nói rằng tôi nên
ngưng nói về việc những người cố cựu đang già nhanh, bởi vì
không phải họ già nhanh mà là chính tôi đang làm họ mất tinh
thần. Tôi không đồng ý. Tất cả chúng tôi, kể cả tôi và Toh đều
đang trở nên chậm chạp và già đi thấy rõ. Trong nội các, Toh đặt
một máy sưởi điện bên dưới chiếc bàn hộp để sưởi ấm đôi chân.
Tôi có thể nhìn thấy mình trong gương, tôi cảm nhận không còn
nhiệt tình và hăng say không ngừng như ngày nào để tự xem
xét và nhận ra vấn đề. Càng ngày tôi càng dựa vào những báo
cáo, hình ảnh và những thước phim video.
Toh và một vài người cố cựu muốn những người kế nhiệm
chúng tôi theo cách mà chúng tôi đã trải qua, nghĩa là bằng con
đường hoạt động chính trị xã hội chứ không phải bằng con
đường tuyển dụng trực tiếp nhân tài. Keng Swee, Rajaratnam,
Kim San và Sui Sen không tin là có nhiều cơ may sản sinh ra
những người như chúng tôi theo con đường cũ. Sau kỳ bầu cử
tháng 12/1980, tôi quyết định gửi một tín hiệu rõ ràng đến tất
cả những người cố cựu rằng tiến trình tự đổi mới là không thể
đảo ngược được, mặc dù tiến trình này còn tùy thuộc vào thành
công của các nghị sĩ mới. Tôi loại Toh ra khỏi nội các mới. Tôi lo
ngại rằng vài người kỳ cựu có thể tập hợp quanh ông ta nhằm
làm chậm tiến trình tự đổi mới này. Tôi nhận thấy rằng Bộ
trưởng cố cựu Ong Pang Boon đã chia sẻ nỗi lo lắng của Toh,
như một số Bộ trưởng không bộ lớn tuổi hơn và các thư ký nghị
viện kể cả Lee Khoon Choy, Fong Sip Chee, Chan Chee Seng và
Chor Yock Eng. Tôi phải loại bỏ Toh nhằm ngăn chặn bất kỳ sự
chia rẽ nào trong giới lãnh đạo. Điều này quả là đau lòng sau
nhiều năm cùng làm việc với nhau. Sự ủng hộ của những người