nên trông rất kinh người tuy rằng đã qua nhiều lần giải phẫu
thẩm mỹ. Nhưng anh ta khắc phục những thiệt thòi của mình.
Anh ta biết khuôn mặt biến dạng của mình khiến người khác
kinh hãi và bối rối nếu họ gặp anh lần đầu. Nên anh khởi sự sinh
hoạt bình thường, tỏ ra tự tin và không thương thân. Không
khuất phục, anh đã sống một đời xứng đáng.
Đó không phải là một Cambridge của những người trẻ tuổi
muốn hưởng thụ và gây ấn tượng cho người khác bằng những
cung cách hoa mỹ của họ. Phải, cũng có một số như vậy, mới
hoàn tất nghĩa vụ quân sự trong những năm thời bình hay được
hoãn dịch, nhưng đó chỉ là thiểu số và không trở thành lực
lượng chủ đạo. Chính những sinh viên cựu chiến binh, một số
còn mang cả chứng tích chiến tranh trên thân thể, mới là những
người khiến Cambridge trở thành một nơi học tập và đốì phó với
những hậu quả chiến tranh. Tôi thấy được vinh hạnh đi cùng
thế hệ những người Anh đó.
Dĩ nhiên cũng có những trục trặc, đụng chạm, chủ yếu là với
những người phải phục vụ tôi – những người đàn ông hay phụ
nữ Anh có lẽ không thích phải phục vụ một sinh viên châu Á lôi
thôi và nghèo túng. Nhưng nếu có một số bà chủ trọ đặc biệt hà
tiện và khó tính, thì cũng có những người đáng quý như bà
Mellor ở Tintagel và bà Jackson, người quản lý Viện Trung Quốc
ở London, người mà tôi sẽ nhớ nhất trong những năm ở Anh
của tôi. Viện Trung Quốc ở quảng trường Gordon do chính
quyền Anh thành lập bằng tiền chiến phí mà Trung Quốc phải
bồi thường cho những thiệt hại nhân mạng và tài sản của người
Anh sau cuộc Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900. Viện đón
nhận mọi sinh viên người Hoa, và tôi thấy đó là một thiên
đường bình yên tuyệt vời và thuận tiện nhất, mà lại gần trung
tâm London nữa.