Tôi cương quyết làm một cái gì đó trước tình trạng thảm hại
này, và ước ao những người bạn khác của tôi từ Anh trở về, đặc
biệt là Keng Swee và Chin Chye. Tôi cần sự đánh giá của họ để
trao đổi ý kiến và quyết định một phương cách hành động. Tôi
cũng muốn tiếp xúc với John Eber và Lim Kean Chye, những
nhân vật cánh tả hàng đầu trong Liên minh Dân chủ Malaya
(Malayan Democratic Union – MDU) trước khi nó bị giải tán khi
tình trạng khẩn cấp được tuyên bố vào tháng 6/1948. Một ngày
tháng 11/1950, chẳng hề báo trước, John Eber tới gặp tôi tại
đường Oxley. Tôi hỏi ông ta chúng tôi có thể làm gì trước tình
hình chính trị theo hiến pháp rất mong manh của Singapore.
Tại sao không thành lập một đảng phái và làm một cái gì đó
thiết thực – chấm dứt trò ăn nói vòng vo kiểu hiện nay và thách
thức quyền lực của chính quyền thuộc địa? Ông ta không hứa
hẹn gì cả. Ông nói: “Đang có tình trạng khẩn cấp. Chúng ta phải
hết sức cẩn thận.” Có lẽ ông đã nghe Lim Hong Bee nói về cuộc
họp của chúng tôi ở London và đánh giá tôi như một thành viên
mới có triển vọng.
Tháng 1/1951, báo chí tường thuật vụ bắt giữ một nhóm
người cộng sản có giáo dục Anh. Trong đó có John Eber, phó chủ
tịch MDU, C.V. Devan Nair, thư ký của Liên đoàn giáo chức
Singapore, và Abdul Samad bin Ismail, biên tập viên chính của
tờ báo bằng tiếng Malaya, Utusan Melayu. Đây là lần đầu tiên
quyền câu lưu dựa trên các quy định về tình trạng khẩn cấp
được sử dụng nhằm chống lại một nhóm người có giáo dục Anh.
Tôi đã hy vọng làm cho John Eber và bạn bè ông ta quan tâm tới
việc thành lập một chính đảng hợp hiến, nhưng thay vào đó ông
ta lại đánh giá tôi có thể là một thành viên mới theo đường lối
của ông ta. Nếu như ông ta và nhóm của mình không bị bắt giữ
trong 6 hay 12 tháng nữa, Sở Đặc vụ có thể đã tóm cả tôi một