đã gầy dựng được một gia sản lớn. Cha tôi chỉ là cậu con nhà
giàu, chẳng có gì để kể về chính ông.
Khi tài sản gia đình suy kiệt trong thời khủng hoảng kinh tế
thế giới vốn làm giá cao su giảm từ 80 xu một cân Anh (khoảng
450gr) năm 1927 xuống còn 20 xu năm 1930, Kung đã bị thiệt
hại nặng. Rõ ràng ông không khôn ngoan trong kinh doanh
bằng ông ngoại tôi là Chua Kim Teng. Tài sản của ông ngoại
Chua cũng bị thiệt hại vì ông đã đầu tư vào đồn điền cao su và
đầu cơ trong thị trường cao su. Nhưng ông cũng thâm nhập thị
trường bất động sản nữa. Ông sở hữu nhiều sạp chợ và cửa hàng
nên không bị sụp đổ hoàn toàn như ông nội Kung của tôi. Nên
năm 1929 cha mẹ tôi đã dọn từ nhà ông nội sang ở trong căn
nhà lớn mà bừa bộn của ông ngoại trên đường Telok Kurau.
Ông nội tôi đã bị Tây phương hóa, do nhiều năm làm việc
trên tàu buôn chung với người Anh, từ thuyền trưởng, máy
trưởng tới các nhân viên. Ông thường kể lại cho tôi nghe những
kinh nghiệm và chuyện trên tàu thì người ta kỷ luật tới mức
nào. Thí dụ, dù cho khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, thuyền
trưởng và các thuộc viên vẫn phải mặc bộ đồ vải trắng gài nút
kín cổ để ăn tối với đầy đủ dao muống nĩa và khăn ăn được bày
dọn đàng hoàng. Qua lời ông kể về những chuyến hải hành
trong khu vực thì rõ ràng các sỹ quan Anh ấy đã để lại trong ông
dấu ấn sâu đậm về tính trật tự, sức mạnh và hiệu năng.
Khi tôi ra đời, gia đình đã hỏi ý một người quen thông thạo
chuyện con cái để tìm tên tốt đặt cho tôi. Ông đã đề nghị chữ
“Kuan Yew”, trong tiếng Quan thoại là guang yao, nghĩa là
“thông minh và sáng láng”. Nhưng ông nội tôi, vì lòng ngưỡng
mộ nước Anh, đã thêm cho tôi tên Harry, nên tên tôi thành
Harry Lee Kuan Yew. Hai em trai tôi, Kim Yew và Thiam Yew,
cũng có tên thánh Tây phương như thế – lần lượt là Dennis và