Nhưng người đã đề cập thẳng chuyện này với Tunku là
Duncan Sandys, Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách quan hệ của
Khối Thịnh vượng chung. Ông đến Singapore vào tháng
1/1961, trên đường đến Malaya, để báo với cả hai chính phủ
rằng nước Anh đang sắp đệ đơn gia nhập khối Thị trường chung
Châu Âu. Tôi đã nhân cơ hội này để giải thích cho ông hiểu rõ
mối nguy hiểm đang đặt ra trước mắt chúng tôi nếu như không
có cuộc hợp nhất vào năm 1963, thời điểm của những đàm
phán về hiến pháp – một Singapore theo cộng sản sẽ là một kết
quả không thể nào tránh khỏi. Tôi hẳn đã tác động được ông ta.
Moore đã nói với tôi sau đó rằng Sandys nói là ông ta chưa từng
gặp một nhà lãnh đạo đương quyền nào lại thiết tha với chuyện
trao quyền của mình cho một trung tâm quyền lực khác đến
như vậy. Các tài liệu lưu trữ Anh cho thấy rằng Sandys đã nói
chuyện với Tunku, và Selkirk thuật lại rằng Sandys có kể với ông
là cuộc nói chuyện thật thuận buồm xuôi gió, tuy ông ta chẳng
cho biết chi tiết.
Sau này tôi mới được biết rõ về Sandys. Ông ta có thể thẳng
thắn và cả thẳng thừng. Ông là con rể của Winston Churchill, và
không hề thiếu tự tin. Ông gan dạ và hết sức quả quyết. Ông có
một chân bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi thời kỳ chiến
tranh và nó thường gây đau nhức, nhưng ông dùng thuốc giảm
đau và khập khiễng tới lui với cây gậy, gắn bó với cuộc sống và
lao đầu vào công việc. Ông là một con người đáng yêu, đáng
ngưỡng mộ nếu như bạn ngẫu nhiên cùng phe với ông ta. Cũng
may là tôi rơi vào trường hợp như thế. Ông hối thúc việc hợp
nhất thành một “Malaysia” rộng lớn hơn và hẳn đã thuyết phục
được Harold Macmillan, Thủ tướng Anh, để ủng hộ ông và gây
sức ép với Tunku.