Tôi quyết định rằng phải rời Singapore khi tình hình còn yên
tĩnh, và tôi có thể xin thôi việc ở Hodobu mà không ai nghi ngờ
về động cơ của tôi. Tôi xin nghỉ phép và đi Malaya để thám sát
Penang và cao nguyên Cameron xem nơi nào là an toàn hơn. Tôi
đi từ Singapore sang Penang rồi đi xe lửa tới Tapah, nhưng từ
Tapah tới cao nguyên Cameron, tôi được quá giang một xe tải
chở rau quả và ngồi kế bên tài xế. Sau hai đêm ở tại Cameron, tôi
trở về Tapah cũng bằng cách quá giang như vậy. Đó là một
chuyến đi rởn tóc gáy. Để tiết kiệm xăng dầu, tài xế đã tắt máy
cho xe thả dốc trên con đường ngoằn nghoèo gần hai tiếng rưỡi
đồng hồ.
Tại Penang, tôi lưu lại chỗ của Hon Sui Sen. Năm 1942,
khoảng bốn tháng trước khi Nhật chiếm Singapore, Hon đã gửi
vợ và con gái về Penang và qua trọ ở nhà tôi trên đường Norfolk.
Chúng tôi ở chung phòng và trở thành bạn, nhưng chín tháng
sau anh ta quyết định rằng không nên ở lại Singapore nữa. Anh
ta là sinh viên khoa học giỏi nhất trong khóa của anh, và là một
trong hai người được tuyển hàng năm vào ngạch công chức của
Anh (sau này anh ta trở thành Bộ trưởng Tài chính của chúng
tôi.) Nhưng lương công chức của anh rất ít ỏi, suất chế độ lại
không tương xứng nên anh không đủ nuôi gia đình. Do đó anh
quay về với họ ở Penang.
Tuy tôi thấy ít có chiến sự khi loanh quanh ở Penang, nhưng
tôi cũng không chọn nơi này. Nó tất sẽ là bàn đạp của người Anh
khi họ muốn tiến sang Singapore. Sẽ có chiến tranh trên các
đường phố, từng căn nhà một. Nên tôi đi tiếp tới cao nguyên
Cameron nơi Maurice Baker, bạn tôi ở đại học, có nhà ở ngôi làng
Ringlet trên độ cao cả nghìn mét. Anh và một số bạn đang sống
nhờ vào tiền tiết kiệm và trồng rau quả. Tôi trả được tiền xe nhờ
bán nửa tá cuốc bằng sắt mang từ Singapore sang và kiếm lời