nghe bí mật. Nhưng lại có những kỉ niệm, những điều con người
không dám nói ngay cả với chính mình.
Trong suốt đời người, bất cứ con người ngay thẳng nào cũng tích
lũy được một số kỷ niệm khá lớn. Tôi còn dám nói rằng con người
càng ngay thẳng bao nhiêu lại càng có được nhiều kỷ niệm bấy
nhiêu. Dù sao cũng chỉ vừa mới đây tôi quyết định nhớ lại những
chuyện phiêu lưu cũ; từ trước đến nay tôi vẫn cố tránh nó, mà
không phải là không chút lo âu. Giờ đây, không những tôi đã nhớ
lại, mà tôi còn quyết định chép nó ra, tôi muốn thử xem ta có thể
thẳng thắn và thành thực ít nhất với chính mình không, và xem ta có
dám nói tất cả sự thật hay không. Nhân chuyện này tôi nhớ đến
Heine có nói rằng không bao giờ có thể có được những tự thuật
chính xác cả, và con người luôn luôn nói dối khi nói về mình. Theo
Heine thì Rousseau chắc chắn đã đánh lừa ta trong tập Lời xưng tội,
và đánh lừa một cách cố ý, chỉ vì thói tự phụ. Tôi tin rằng Heine nói
có lý: tôi hiểu được rằng ta có thể mang vào mình nhiều tội lỗi khốn
nạn chỉ vì thói tự phụ, và tôi cũng hiểu cái tự phụ đó ra sao. Nhưng
Heine nói đến những lời thú tội trước công chúng; còn tôi, tôi chỉ
viết cho mình tôi thôi, và tôi xin tuyên bố, lần đầu và cũng là lần
cuối, rằng nếu tôi có vẻ như đang nói với độc giả, thì đó chỉ là một
cách diễn đạt cho dễ viết. Đó chỉ là một hình thức, một hình thức
rỗng không; còn về độc giả, thì tôi sẽ chẳng bao giờ có được. Tôi đã
nói thế rồi.
Ghi lại những hồi ký này tôi chẳng hề bị ràng buộc bởi một cái gì
hết. Tôi chẳng theo một trật tự nào, một hệ thống nào. Tôi chỉ viết
những gì tôi nhớ lại.
Nhưng ngay lúc này quý vị có thể tóm lấy tôi và hỏi: Nếu sự thật
anh không nghĩ tới độc giả của anh, thì tại sao anh lại thỏa hiệp với
chính anh - mà lại trên giấy nữa! - Rằng anh không theo một trật tự
nào, một hệ thống nào, rằng anh chỉ viết cái gì anh nhớ lại thôi
v.v…? Tại sao anh lại tự biện bạch? Biện bạch cho ai nghe? Tại sao
lại phải xin lỗi?