- Tất nhiên là thế rồi. Cậu tài thật đấy, anh bạn trẻ. Thực ra, tai là hộp
cộng hưởng của cặp môi. Đó là cái loa lắp bên trong. Flaubert nhất định rất
hay làm duyên làm dáng với cái loa này của mình, nhưng ông ta thực lòng
tưởng rằng người ta sẽ tin ông ta hay sao? Ông ta biết điều này, rằng la hét
những từ ngữ cũng chẳng ích gì: những từ ngữ tự mình có thể kêu lên. Chỉ
cần tự mình lắng nghe chúng thôi.
- Thế còn bàn tay?
- Bàn tay là để hưởng thụ. Điều ấy quan trọng quá đi chứ. Nếu một nhà
văn không hưởng thụ, vậy thì người ấy nên dừng lại ngay lập tức. Viết mà
không hưởng thụ, làm thế thật đồi bại. Bản thân việc viết lách đã hàm chứa
trong nó tất cả những mầm mống của thói đồi bại. Lý do biện bạch duy nhất
của nhà văn,đó là sự hưởng thụ của ông ta. Một nhà văn không hưởng thụ,
sẽ là điều gì đó cũng đáng ghê tởm như một thằng đểu cưỡng bức một bé
gái mà thậm chí không đạt đến khoái cảm, cưỡng bức chỉ để cưỡng bức, để
làm một điều ác vô căn cớ.
- Không nên so sánh như vậy. Việc viết lách không độc hại đến thế.
- Cậu không biết những điều mình đang nói đâu. Hẳn nhiên, vì chưa đọc
tôi nên cậu không thể biết được. Việc viết lách thối tha mọi nhẽ: hãy nghĩ
đến những cây gỗ to phải đốn ngã để làm ra giấy, đến những địa điểm cần
phải tìm ra để trữ sách, đến tiền dùng để in chúng, đến tiền các độc giả tiềm
năng phải bỏ ra, đến nỗi buồn phiền mà những kẻ bắt hạnh này gặp phải khi
đọc sách, đến ý thức tồi tàn của những kẻ khốn nạn bỏ tiền ra mua sách, và
sẽ không có can đảm để đọc, đến sự buồn rầu của những tên ngốc tử tế đọc
sách mà không hiểu nổi, sau rốt và nhất là đến vẻ hợm hĩnh toát lên từ
những cuộc trao đổi sẽ diễn ra tiếp sau sự đọc hay sự không đọc của họ. Mà
tôi chẳng muốn kể thêm nữa đâu! Thế nên đừng nói với tôi rằng viết lách
không độc hại.