Ngọc không ngờ gì nữa: Lan sợ hãi vừa đi trốn. Lúc bấy giờ chàng hối
hận vô cùng, nói một mình: "Đó, cố tìm cho biết hắn là gái, phỏng có lợi
ích gì? Để vậy còn thú chứ thế này thì không biết chừng... Không biết sao
mình lúc ấy lại hung tợn đến thế? Thôi mỗi cái ta theo giữ hắn ở lại, thề với
hắn rằng giữ bí mật cho hắn rồi mai về Hà Nội, cố quên câu chuyện, câu
chuyện cảm động... đau đớn".
Bóng trăng đã xế về tây, chiếu ánh lờ mờ. Các cây cỏ hãy còn đầm đìa
nước mưa ban chiều.
Những đồi xa, trông như đàn rùa khổng lồ nằm vọng nguyệt. Nhưng
Ngọc chẳng nghĩ gì đến phong cảnh, cứ cắm cổ bước mau như một tên ăn
trộm sợ có người đuổi, đi trốn.
Đi một quãng dài, Ngọc nhìn đằng trước mặt ngay trên đỉnh một cái
đồi, thấp thoáng có bóng người in lên da trời. Chàng chắc chắn lắm rồi,
cắm đầu chạy một mạch tới ngọn đồi. Quả thật cái bóng ấy là Lan. Lan
nghe có tiếng người chạy thình thịch sau lưng, quái cổ lại gặp Ngọc thì kêu
rú lên một tiếng, rồi ngất người ngã gục xuống gốc cây thông bên đường,
Ngọc vội quỳ xuống nâng dậy mà ngọt ngào nói rằng:
- Lan không sợ, tôi xin viện lòng từ bi của đức Quan Âm, tôi xin thề
với Lan rằng tôi không phải hạng gió giăng bậy bạ. Lan tỉnh dậy, tôi nói
câu chuyện, rồi mai tôi từ biệt Lan, tôi về Hà Nội.
Lan mở bừng mắt nhìn, rơm rớm hai giọt lệ lấp lánh dưới ánh trăng.
Ngọc lại nói đùa:
- Thôi, xin ni cô tha cho.
Lan lúc ấy đã tỉnh hẳn, ngồi dậy lau nước mắt mà rằng:
- Vâng, tôi là gái. Tôi biết thế nào cũng chẳng giấu nổi ông. Nhưng
còn câu chuyện vì sao tôi phải cải trang, thì tôi chưa thể lộ tâm can cùng