Chương II
Nhụ có bốn chị em đặt tên thứ tự là Chim, Thu, Nhụ, Đé. Đé đã năm
tuổi. Những hôm cả nhà đi vắng, cửa ra vào khóa lại. Đé ở nhà một mình.
Nó tự bày ra đủ mọi trò chơi, ngổn ngang trên giường và trên nền đất những
mẩu tre, những chiếc ghế và chai lọ. Thỉnh thoảng nó lại leo lên cửa sổ, hai
tay nắm chắc song, hai chân thõng ra ngoài. Cái chìa khóa cửa, buộc vào
sợi dây ni-lông gỡ ra từ một mảnh lưới rách, màu trắng, đeo lòng thòng ở
cổ. Mắt nó hớn hở nhìn những cánh buồm qua lại. Có khi khoái chí, nó
bỗng hát tướng lên, lời ca bao giờ cũng rất ngộ nghĩnh:
Ông Sấm ông Sét
Ông hét đùng đùng
Làm con cá Ngùng(*)
Cắn con cá Vược
Kiện mãi chẳng được
Cá Vược ra về
Gặp vua Thủy Tề
Đang nhai vụng tép
Ông Sấm, ông Sét...
Chị cả là Chim, lớn lên đổi là Chiêm. Năm 1972, học hết lớp bảy, chị
tình nguyện đi thanh niên xung phong. Chị đã hy sinh ở miền Nam vào
những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hôm làng chài làm
lễ truy điệu chị, những bạn học của chị đều khóc thút thít. Còn mẹ thì vẫn
ngồi yên... Nét mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có đôi
mắt của mẹ là bỗng bạc phếch đi, đờ đẫn nhìn vào một cái gì không thật rõ
ràng. Đêm ấy về nhà, Nhụ thấy mẹ thắp một nén hương lên bàn thờ, rồi lại
lặng lẽ ngồi vá lưới cho đến sáng. Đêm hôm sau, mẹ cũng ngồi vá lưới như
vậy. Tấm lưng người dân chài vốn khá dày của mẹ, cứ mỏng dần đi, như cái
xương cá...
Năm chị Chiêm lên đường, Nhụ mới lên sáu tuổi. Ở tuổi ấy, Nhụ còn
nhớ được những hình ảnh lẻ tẻ. Khuôn mặt chị Chiêm, Nhụ vẫn hình dung
là khuôn mặt mẹ, nhưng trẻ hơn độ mười lần. Chiếc ảnh duy nhất của chị
chụp lúc chị cười thế nào mà gần như nhắm hết cả hai mắt lại. Chẳng biết
có phải do ý muốn của chị hay không, mà ông thợ ảnh còn bôi cho chị
những má hồng với môi son, trông không giống chị mấy. Tấm ảnh ấy, mẹ