Lên đến Miếu Ông Voi thì đã vàng mặt trời. Bốn chú cháu đứng trước
một tảng đá xanh, rộng và nhẵn đến mức rêu không sao mọc được nữa. In
lên bầu trời âm âm, vần vụ những đám mây màu lông chuột, là một cành đa
khô khẳng, lởm chởm ngang dọc, như bộ sừng khổng lồ của con hươu thời
cổ đại.
Dấu tích thời chiến trận còn để lại trên mặt đất những vũng tròn và
nông, đổ gẫy những cành đa lớn, hàng người ôm, nứt toác vết bom chẻ.
- Miếu Ông Voi chỉ có thế này thôi ạ? - Nhụ hỏi chú Thuận.
- Chỉ có thế. Trước kia, cây đa cao lớn và xanh tươi lắm, vô hình trung
đã là ngọn đèn biển cho những chiếc thuyền táo tợn nào đó của người dân
chài dám coi khinh sóng dữ.
- Chú đã trông thấy cây đa ấy chứ!
- Cũng nghe các lão ngư nói thế. Chú đến đây, cây đa đã chết rồi.
- Thế còn miếu?
- Ấy là nói quá đi cho nó linh thiêng. Chứ ai lên đây thờ cúng mà có
miếu.
- Vậy thì phải gọi là Miếu Cây Đa. Làm gì có Ông Voi. - Đức nói.
- Ông Voi là con cá Voi. Có thể nhìn từ một nơi nào đó, núi này giống
như con cá Voi. Dân đi biển chỉ thờ một loại cá là cá Voi và gọi cá là Ông.
Cá Voi rất to, thường cứu người dân chài khi bị hoạn nạn trên biển.
- Trời ơi! Thế sao Ông Voi lại không cứu mẹ và em cháu... - Ngạnh
bỗng thốt lên, giọng chua xót và hờn dỗi.
Chú Thuận ớ ra một lúc, chưa biết trả lời thế nào. Sau này Ngạnh mới
biết rằng, chính ông Voi cũng không cứu nổi chú Thuận trong một đêm
giông...
Nhụ đứng ngây ra nhìn chú và trong khoảnh khắc ấy, một cảm giác vừa
mới mẻ vừa xưa cũ, bỗng ập đầy tâm trí Nhụ. Ấy là cái cảm giác về sự thần
bí trong rủi may của nghề biển, mà ông Nhụ đã truyền lại cho Nhụ vào
những ngày lễ tết.