việc cho người bạn ngưỡng mộ nhất.” Ông thúc giục họ đừng lãng
phí thời gian và cuộc đời mình. “ Thật điên rồ khi nhận một công
việc nhỏ nhoi chỉ bởi vì nó phù hợp với thành tích và kinh nghiệm đã
qua của bạn. Việc đó giống như để dành sự sung mãn tình dục cho
tuổi già của bạn vậy. Hãy làm điều bạn thích và làm việc cho người
mà bạn thán phục nhất. Đó chính là cách bạn đem đến cho mình
cơ hội tốt nhất trong đời.”
Các sinh viên hỏi ông đâu là những sai lầm ông từng phạm phải.
Ông nói, sai lầm thứ nhất là Berkshire Hathaway, khi ông bỏ ra 20
năm để cứu vãn một nhà máy dệt lạc hậu và suy tàn. Thứ hai là US
Air. Buffett nói về thất bại của mình khi gọi cho đường dây nóng
Air-aholic quá sớm. Thứ ba là, vụ mua trạm xăng Sinclair hồi ông
còn trẻ. Ông nhận ra rằng sai lầm đó đã làm ông mất 6 triệu đô la
nếu so sánh với những gì ông có thể thu được từ khoản đầu tư đó
tính đến lúc này.
Nhưng những sai lầm do bỏ lỡ – những điều lẽ ra ông có thể làm
được nhưng đã không làm – mới gây thảm họa lớn nhất cho ông.
Ông chỉ nói về một sai lầm như thế – đó là lần ông quyết định
không đầu tư vào cổ phiếu FNMA – tức Federal National Mortgage
Association. Vụ này có giá 6 tỉ đô la vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ông
còn nhiều vụ bỏ lỡ khác nữa: vụ ngoảnh mặt trước một đài truyền
hình mà Tom Murphy đã ra sức đẩy vào tay ông; vụ không đầu tư
vào Wal-Mart. Lý do ông phạm nhiều lỗi bỏ lỡ như thế, theo ông
giải thích, là vì cách nghĩ quá cẩn trọng trong cuộc đời ông.
Buffett đã rất nhiều lần nói về các sai lầm của mình, nhưng
khi ông nói về sai lầm do bỏ lỡ, ông không bao giờ mạo hiểm vượt
qua lằn ranh của các sai lầm trong đầu tư. Các sai lầm do bỏ lỡ
trong cuộc sống cá nhân của ông – như sự vô tâm, thiển cận, bỏ lỡ
các cơ hội – vẫn còn nguyên đó, và cả tác dụng phụ của những cảm
xúc mãnh liệt; nhưng chúng là sự hiện diện của những góc khuất