Bảo Ngọc mơ màng trông thấy tòa miếu ấy đồ sộ, không giống cảnh trong vườn Đại
Quan chút nào. Liền dừng lại, ngẩng đầu trông thấy cái biển đề bốn chữ: “Dẫn giác tình
si” (Đưa kẻ si đến nơi giác ngộ). Hai bên có đôi câu đối:
Cười, mừng, thương, tủi, đều là giả
Ham, muốn, nhớ nhung chỉ vì si.
Bảo Ngọc xem xong gật đầu thở dài. Đến tìm Uyên Ương để hỏi cho rõ đấy là chỗ nào.
Nhưng nhìn kỹ thì ra một nơi rất quen thuộc. Anh ta liền đánh bạo, đẩy cửa vào, nhìn
khắp trong nhà không thấy Uyên Ương đâu cả, chỉ thấy tối om, nên trong bụng sợ hãi.
Bảo Ngọc đang muốn lui ra thì thấy có hơn mười cái tủ lớn hé mở. Bảo Ngọc sực nhớ lại:
“ta hồi nhỏ đã mơ thấy đến một chỗ như thế này. Bây giờ lại được đến đây, thực là may
lắm!” Trong lúc mơ màng quên cả Uyên Ương, không đi tìm nữa. Anh ta đánh liều mở
cái tủ lớn đầu tiên xem thì thấy có mấy quyển sổ. Trong bụng càng thích, nghĩ rằng:
“người ta chiêm bao, cứ bảo đó là chuyện giả. Nhưng biết đâu đã có cái mộng ấy thì phải
có cái việc ấy! Ta thường nghĩ muốn thấy lại cái mộng ấy một lần nữa mà không mộng.
Ngờ đâu hôm nay lại gặp mộng! Nhưng không biết cái sổ kia có phải là ta đã gặp rồi hay
không? Anh ta liền giơ tay lên phía trên lấy một quyển, thấy có đề chữ: “Kim Lăng thập
nhị thoa chính sách”. Bảo Ngọc cầm lấy quyển sổ, nghĩ bụng: “ta nhớ mang máng hình
như đã thấy quyển sổ này, chỉ giận một điều là nhớ không rõ lắm”. Rồi mở trang đầu ra
xem, thấy phía trên có bức vẽ nhưng dấu vẽ lờ mờ, nhìn không rõ. Phía sau có mấy hàng
chữ cũng không rõ nhưng còn có thể đoán được. Nhìn kỹ thì hình như trên chữ “Đại
Ngọc” lại có một chữ giống như chữ “Lâm”, liền nghĩ bụng: “nhất định là nói về em Lâm
rồi”. Lại cố xem kỹ nữa. Phía dưới còn thấy bốn chữ “trâm vàng trong tuyết”, anh ta lấy
làm lạ, nói: “Làm sao lại giống như tên họ của vợ ta nhỉ?”… Bảo Ngọc liền chắp cả bốn
câu trên dưới đọc một lượt và nói: “cũng không có ý nghĩa gì. Chỉ nói kín tên họ cô ta
thôi, chẳng lấy gì làm lạ. Nhưng có chữ “thường” và chữ “than” thì không tốt. Như thế
thì giải nghĩa ra sao?”
Bảo Ngọc nghĩ đến đó, tự gắt với mình: “Ta đã xem trộm lại còn nghĩ vơ nghĩ vẩn. Nếu
có ai đến thì còn xem sao được nữa?” Rồi lại xem tiếp, cũng không kịp nhìn kỹ mấy bức
vẽ kia. Cứ xem từ trên xuống. Khi xem đến đoạn cuối, thấy có một câu gì như là “thỏ gặp
hùm kia giấc mộng xuôi”. Chợt tỉnh ra, nói:
Đúng rồi! Quả là cơ trời không sai chút nào! Câu này chắc là nói về chị Nguyên Xuân
rồi. Nếu thấy rõ ràng như thế thì ta phải biên lấy để nghiền ngẫm cho kỹ. Sau này những
việc rủi may sống chết của chị em, mình đều biết hết. Ta trở về nhất định không tiết lộ ra,
chỉ làm một người “chưa bói đã biết”, thế cũng đã được bao nhiêu điều suy nghĩ vớ vẩn.
Rồi anh ta đi tìm khắp cũng không thấy bút nghiên gì cả. Bảo Ngọc sợ có người ngoài
đến, lại vội xem, thấy một bức vẽ lờ mờ hình một người đang thả diều, cũng không để ý
nhìn kỹ. Vội vàng xem suốt cả mười hai bài thơ, có bài nhìn qua đã biết. Có bài xem rồi
nghĩ ra ngay, cũng có bài không hiểu rõ lắm, nhưng trong bụng nhớ rất kỹ. Anh ta vừa
thở than vừa cầm lấy “Kim Lăng hựu phó sách” để xem. Khi xem đến cậu “Khen cho ưu
linh phúc tốt. Ngờ đâu công tử duyên ôi”, lúc đầu không hiểu gì cả. Sau thấy phía trên có
hình khóm hoa và chiếc chiếu, anh ta liền khiếp sợ, khóc òa lên. Đang còn muốn xem nữa
thì nghe thấy có tiếng người bảo:
Anh lại ngây rồi. Cô Lâm mời anh đấy!