Ông nó khi sắp đi nhận chức quan lương đạo, đã nộp tiền giám sinh
cho cả hai chú cháu
nó rồi.
Thím Lý gật đầu. Giả Lan liền cầm bức thư đi tìm Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc đưa Vương phu nhân về, đang ngồi nghiền ngẫm “thiên thu thủy”
. Bảo Thoa
ở trong đi ra, thấy anh ta xem sách có vẻ say mê. Đến nhìn mới biết quyển sách này, trong
bụng rất là buồn bực. Nàng nghĩ thầm: “Cậu ta cứ cho những chuyện lánh đời né tục là
việc quan trọng. Cứ cái tình hình này thì thật không ổn!” Nhìn thấy thế, Bảo Thoa biết là
không khuyên nổi, liền ngồi lại bên người Bảo Ngọc, cứ nhìn sửng sốt, Bảo Ngọc thấy
thế, liền hỏi:
Mợ sao thế?
Tôi nghĩ cậu cùng tôi đã kết nghĩa vợ chồng, thì cậu là người tôi nương tựa suốt đời, vốn
không phải chỉ vì lòng tình dục. Chuyện vinh hoa phú quý, chẳng qua cũng thoáng qua
như mây khói mà thôi. Nhưng các bậc thánh hiền đời xưa, vẫn xem phẩm cách con người
là chính.
Bảo Ngọc chưa nghe hết, đã đặt quyển sách xuống mỉm cười:
Nghe mợ nói về phẩm cách con người, lại nhắc đến thánh hiền đời xưa gì đó. Mợ biết
thánh hiền đời xưa có nói câu “chớ làm sai tấm lòng đứa trẻ mới sinh” hay không? Đứa
trẻ mới sinh có gì đáng quý? Chẳng qua chỉ vì nó không hiểu, không biết, không tham,
không ghét mà thôi. Chúng ta sinh ra đã đắm đuối trong vòng tham, giận, ngây, yêu.
Chẳng khác gì bùn lầy. Làm thế nào thoát khỏi cái lưới ấy của cõi trần. Cho hay người
xưa tuy đã nói qua bốn chữ “tụ tán phù sinh”
, nhưng chưa làm cho một ai tỉnh ngộ cả.
Đã muốn nói về nhân phẩm thì thử hỏi ai là kẻ đạt được cái trình độ sơ sinh?
Cậu đã nói đến “tấm lòng đứa trẻ”, thì nên biết thánh hiền đời xưa cho rằng trung hiếu
chính là tấm lòng đứa trẻ, chứ không phải tránh đời xa người, không chỉ vương vấn vào
cái gì mới là tấm lòng đứa trẻ. Các bậc thánh hiền như Nghiêu, Thuấn, vua Thang, Chu
Công, Khổng Tử, lúc nào cũng nghĩ đến cứu dân giúp đời. Gọi là tấm lòng đứa trẻ, chẳng
qua tóm tắt trong hai chữ “bất nhẫn” mà thôi. Còn theo lời cậu vừa nói, thì là nỡ lòng bỏ
cả thiên luân, còn ra đạo lý gì?
Bảo Ngọc gật đầu cười:
Nghiêu, Thuấn cũng không ép được Sào Phủ, Hứa Do. Võ Vương, Chu Công cũng không
ép được Bá Di, Thúc Tề
.
Bảo Thoa không đợi nghe hết câu, liền nói:
Những câu nói ấy của cậu lại càng không đúng. Ai cũng là Sào, Hứa, Di, Tề cả, thì sao
đến nay người ta lại khen Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng là bậc thánh hiền? Vả lại cậu ví
mình như Di, Tề thì thật không đúng. Di, Tề vì sinh vào cuối đời nhà Thương, gặp phải
nhiều việc khó xử, nên mới có cớ để trốn tránh. Chứ bây giờ gặp đời vua thánh, nhà ta
mấy đời đội ơn triều đình, cha ông được hưởng biết bao điều sung sướng… Vả lại, cậu từ
khi lọt lòng đến giờ, bà trước kia và cha mẹ đều xem như một hòn ngọc quý. Cậu vừa nói
những câu ấy, thử nghĩ lại xem có đúng hay không.
Bảo Ngọc nghe xong, không trả lời, cứ ngẩng đầu lên mỉm cười. Bảo Thoa lại khuyên:
Cậu đã đuối lý thì tôi khuyên cậu từ sau nên hồi tâm lại. Cố sức học hành, nếu mà thi
đậu, sau đó mà thôi, cũng không đến nổi uổng phí ơn trời đức tổ.