lại đây, em hỏi chuyện.
Bảo Ngọc nghe nói, từ giã Bảo Thoa và Đại Ngọc đến ngồi ở dưới cây thạch lựu. Thám
Xuân hỏi: Mấy hôm nay cha có gọi anh không?
Không gọi.
Hôm nọ em thoáng nghe như cha gọi anh.
Chắc người ta nghe nhầm đấy, cha có gọi anh đâu.
Mấy tháng nay em có dành dụm được mười quan tiền, anh cầm lấy, khi nào ra chơi phố,
thấy có bức chữ hay vẽ đẹp, hoặc đồ chơi xinh xắn, anh mua hộ mang về cho em.
Thỉnh thoảng anh cũng có đi qua các nhà, các miếu ở trong thành, ngoài thành, chẳng
thấy cái gì mới lạ, xinh xắn cả, chỉ có những đồ vàng, ngọc, đồng, sứ, và những thứ đồ cổ
không có chỗ vất; rồi đến các thứ vóc, nhiễu và các đồ ăn thức mặc thôi.
Ai cần gì đến những thứ ấy! Như lần trước anh mua cái lẵng hoa bằng cành liễu, hộp
phấn bằng rễ trúc, cái lồng ấp bằng đất thó, trông rất đẹp, em thích lắm. Mà chị em ai
cũng thích cả. Họ coi những thứ này như của báu, có cái nào là cướp mất cái ấy.
Nếu em thích những cái ấy, thì chẳng đáng mấy đồng tiền, cứ cho người nhà mang mấy
quan tiền đi, sẽ mua được hàng xe.
Bọn người nhà biết gì? Anh đi chọn lấy cái gì mộc mạc mà không tục, thì mua nhiều về
cho em. Em sẽ thêu cho anh một đôi giày như lần trước mà còn tỉ mỉ kỹ càng hơn, anh
nghĩ có được không?
Bảo Ngọc cười nói: Em nói đến đôi giày, anh lại nhớ câu chuyện trước. Có lần anh đi đôi
giày ấy, gặp cha, người lấy làm khó chịu, hỏi giày này ai thêu cho. Anh không dám nói là
em thêu, chỉ nói mợ cho trong dịp sinh nhật anh. Cha thấy thế, không nói gì, một lúc mới
phàn nàn: "Tội gì mà hao tốn sức người, phí phạm nhiễu lụa, để thêu cái thứ ấy!" Sau về
anh nói chuyện với Tập Nhân, Tập Nhân nói: "Như thế đã đành, dì Triệu lại còn oán là
khác. Dì ấy bảo, anh em ruột giày rách đằng giày, tất rách đằng tất, chẳng ai thèm nhìn
đến, lại đi thêu những thứ ấy!"
Thám Xuân nghe nói, sa sầm nét mặt xuống, nói: Anh xem, câu nói hồ đồ biết chừng
nào! Em có phải là hạng người chỉ để thêu giày đâu. Em Hoàn không có phần riêng của
nó sao? Áo quần có phần áo quần, giày tất có phần giày tất, gái hầu, bà già cũng đầy cả
nhà, sao lại thở ra những câu oán trách ấy? Định nói cho ai nghe đấy! Chẳng qua lúc rỗi
em muốn thêu một đôi chơi, trong đám anh em, thích ai thì cho; đó là tùy bụng em, chứ ai
bắt buộc? Thực là dì ấy ghen quàng!
Bảo Ngọc gật đầu cười nói: Em không biết, bụng người ta lại nghĩ khác kia. Thám Xuân
nghe nói, càng cáu lên, ngoảnh đầu nói:
Anh cũng hồ đồ nốt. Dì ấy nghĩ thế đấy, nhưng chẳng qua là ý nghĩ của hạng người hèn
mọn mà thôi. Mặc dì ấy, muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, chứ em chỉ biết bà và cha thôi,
ngoài ra em không cần ai hết. Ngay trong đám anh chị em, ai tốt với em, thì em tốt giả,
bất cứ là con nàng hầu, vợ lẽ. Đáng ra em không nên nói dì ấy, nhưng vì dì ấy u mê quá
chừng! Lại có một chuyện đáng buồn cười nữa: lần trước em đưa tiền nhờ anh mua đồ
chơi hộ em, vài hôm sau gặp em, dì ấy kêu túng kêu thiếu. Em mặc kệ, chẳng để ý đến.
Sau khi bọn a hoàn ra rồi, dì ấy quay lại trách móc em, bảo em để dành tiền chỉ đưa cho
anh thôi, không đưa cho thằng Hoàn. Nghe dì ấy nói thế, vừa buồn cười vừa bực mình,
em chạy ngay đến chỗ mẹ.