Vì tự khi xưa An-sinh vương có hiềm với Thái-tôn, có dặn ngài tranh
lấy thiên-hạ. Đến lúc quân Nguyên vào cõi, quân quyền về cả tay ngài, ngài
mới đem nhời An-sinh vương bảo với gia-tướng là Dã-Tượng, Yết-Kiêu.
Hai người đáp rằng: “Làm như thế thì phú quí được một thời, nhưng để
tiếng xấu nghìn năm. Nay đại-vương cũng đã phú quí rồi, sao nỡ làm thế.
Chúng tôi xin chết già làm đầy tớ đại-vương, chớ không muốn mang tiếng
bất trung, bất hiếu, mà cầu làm quan to.” Ngài nghe nói xong, động lòng
rớm nước mắt. Ngài lại hỏi Hưng-võ vương Quốc-Nghiễn rằng: “Cổ-nhân
giầu có cả thiên-hạ, để truyền cho con cháu, bụng con nghĩ thế nào?”
Quốc-Nghiễn thưa rằng: “Phận làm tôi không nên thoán nghịch, giả vua
khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ.” Ngài lấy nhời ấy
làm phải. Lại hỏi đến con thứ là Hưng-nhượng vương Quốc-Tảng. Quốc-
Tảng thưa rằng: “Ngày xưa vua Thái-tổ nhà Tống vốn là một ông lão làm
ruộng, còn biết thừa thời tranh cướp, để lấy thiên-hạ, huống chi phụ-thân
bây giờ binh quyền ở cả trong tay, việc gì mà chẳng lấy.” Ngài nổi giận rút
gươm ra kể tội Quốc-Tảng là bất trung, bất hiếu, toan đem chém ngay.
Quốc-Tảng khóc lóc chịu tội, các tướng can ngăn ngài mới tha. Bởi thế ngài
vẫn ghét, đến bây giờ dặn không cho vào khâm liệm.
Bệnh ngài dần dần mỗi ngày một nặng, qua sang tháng sau ngài mất.
Bấy giờ là ngày 20 tháng tám năm Canh-tí, niên hiệu Hưng-long thứ tám
(niên hiệu Đại-đức thứ tư vua Thành-tôn nhà Nguyên, lịch tây 1300), ngài
thọ được 75 tuổi.
Có thơ tán rằng:
“Trung hiếu lòng son tự tính thành,
Anh-hùng ra sức chống giời xanh.
Gươm thần một lưỡi kinh hồn giặc,
Ngựa đá nghìn thu vững cõi mình.