Crandell dành khoảng 6 tháng học tập và viết mã vào buổi tối và
cuối tuần, và đã thành thạo hợp ngữ Z-80. Nỗ lực này đã giúp anh
có được công việc anh tìm kiếm: Anh được CompuCorp tuyển dụng.
Đó là mức lương thấp nhất công ty nhưng lại là bước tiến lớn với
anh. Anh nhớ rằng, khi đi phỏng vấn, anh nghe có người trong
phòng nói, “À, anh ta có vấn đề. Anh ta không có bằng khoa học
máy tính.” Crandell không chắc họ ám chỉ điều gì – có lẽ là sự ngạo
mạn mà những nhà tuyển dụng nhận thấy ở những người tốt nghiệp
ngành khoa học máy tính – “nhưng anh ta đã nghiên cứu sâu sắc về
tôn giáo. Ít nhất đó là một điểm cộng!”.
Anh làm việc tại CompuCorp ngay khi máy tính IBM ra đời và biến
các bộ xử lý văn bản chuyên dụng như của CompuCorp trở nên lỗi
thời. Tuy nhiên, CompuCorp không thể tạo ra phần mềm xử lý văn
bản chi phí rẻ hơn và chính điều này đã đe dọa sự tồn tại của các
máy chuyên dụng của nó. Crandell thấy rằng, những máy tính đó sẽ
sớm biến mất, cho dù CompuCorp có hành động hay không.
Crandell quyết định rời công ty và thiết kế một phần mềm xử lý văn
bản cho máy tính IBM, một sản phẩm tái tạo các đặc trưng phần
mềm của CompuCorp. Anh trở thành nhà khởi nghiệp đơn độc. Anh
mua cuốn cẩm nang All About the IBM PC (tạm dịch: Mọi điều về
máy tính IBM) của Peter Norton, để tự học ngôn ngữ C và tạo lập
phần mềm của riêng mình. Anh đã thực hiện một bước đi táo bạo
khi rời văn phòng làm việc tại nhà – một phòng chứa đồ – để làm
việc tại một văn phòng thực sự, một phòng trọ đã được tân trang với
giá 250 đô la/tháng.
Tập đoàn phát triển Crandell, tên anh đặt cho công ty khởi nghiệp tí
hon của mình, có thể tồn tại, chủ yếu nhờ bán phần mềm cho nhà
phân phối với giá 150 đô la/bản rồi đổi tên để bán ở châu Âu với giá
495 đô la/bản. Crandell thuê một lập trình viên để hỗ trợ, rồi sau đó
thuê thêm nhân viên khác. Công ty nhỏ của anh tăng thành 10 nhân
viên, trước khi Microsoft giới thiệu ứng dụng văn phòng giá rẻ. Khi
Office xuất hiện, nhu cầu về phần mềm xử lý văn bản giá cao như
của Crandell sụt giảm.