một ngày, không ít môn phái trong trại vốn đã khan hiếm nhân tài, tiếp tục
như vậy sẽ càng thêm sa sút. Điển tịch võ công mà các tiền bối để lại nhiều
năm không được tu sửa biên tập, hoặc thiếu trang thiếu chữ, hoặc dính đầy
bụi bặm, rất nhiều điển tịch bản thân nó vốn đã trúc trắc, vậy mà thỉnh
thoảng còn xen vài cảm ngộ lung tung của các tiền bối, trích dẫn bách gia
chư tử nào cũng có, cực khó xem hiểu, bị những người thô kệch không biết
được mấy chữ truyền nhau hết thế hệ này tới thế hệ khác, sai sót nhiều như
cái lỗ sàng. Vừa khéo Ngô Sở Sở từ nhỏ đọc đủ thi thư, Chu Phỉ bảo nàng
ấy từ từ chỉnh lý lại kho võ học của 48 trại.
Chu Phỉ vốn chỉ thuận miệng nói thôi, ý định ban đầu là để Ngô Sở Sở
không có chuyện gì làm thì đi chép sách cho đỡ buồn.
Lẽ ra một tiểu thư yếu đuối chưa từng luyện võ ngày nào, chỉ dựa vào
một cây bút đi chỉnh lý biên tập điển tịch võ học của trại thổ phỉ, nghe kiểu
nào cũng thấy vớ va vớ vẩn.
Nhưng Ngô Sở Sở lại như đã nắm được cọng cỏ cứu mạng, thật sự
một lòng một dạ đâm đầu vào.
Đầu tiên nàng ấy học những kiến thức cơ bản như kỳ kinh bát mạch,
nhận biết huyệt đạo. Sau khi hiểu biết đại khái, Ngô Sở Sở bắt đầu sao chép
nguyên văn, trước hết bắt tay vào những bản được bảo tồn hoàn hảo, những
bản có thể đọc hiểu sơ sơ để làm. Mỗi lần gặp chữ thiếu, nàng ấy không
dám mảy may qua loa, để tu bổ một chữ mà nàng ấy thường xuyên phải
khảo chứng hơn cả tháng.
Ngô Sở Sở xuất thân tiểu thư khuê các, tính cách hướng nội, lúc mới
tới 48 trại, nàng ấy rảnh rỗi cũng ngại chủ động bắt chuyện với người khác,
càng khỏi phải nói tới chuyện xin chỉ giáo. Mỗi khi có nghi vấn, nàng ấy
chỉ có thể không ngại đường xa vạn dặm mà viết thư hỏi Chu Phỉ, mỗi lần
gửi thư là gửi một xấp dày. Có lúc Chu Phỉ chạy tới rừng sâu núi thẳm
không nhận được thư nên để dồn mấy tháng, trở về nhìn đống thư cao hơn