mình thì bình thường ông ấy cũng chỉ thích ở nhà nấu cơm và chơi với trẻ
con. Ngoài hai đứa con của chính ông ấy thì bọn trẻ cả Thục Trung rảnh rỗi
đều thích chạy đến Lý gia, hoặc ăn cơm chùa hoặc tụ lại chơi đùa.
Lý Cẩn Dung lúc nhỏ không thích địa bàn của mình có nhiều đám khỉ
nhãi nhép như vậy. Lý Cẩn Dung quậy mấy lần mà không có kết quả, bèn
dắt em trai kiếm từng đứa một ở cả Thục Trung đánh cho một lượt, từ đó
đánh ra tên tuổi, tự dưng thành vua bọn trẻ, rất có khí thế nói một là một
nói hai là hai.
Năm Chu Dĩ Đường theo Lý Chủy vào đất Thục mới có 8 tuổi, lòng
đầy bỡ ngỡ, thấy trước mắt là núi xanh nhìn không thấy điểm cuối và
đường hẹp trải dài quanh co khúc khuỷu, cỏ cây mịt mù vô pháp vô thiên,
trong bụi cây thỉnh thoảng có thứ gì đó bò qua dọa người ta nhảy dựng
nhưng nhìn kỹ lại thì không thấy gì hết, không khỏi có mùi bí hiểm. Dọc
đường trời mưa hay nắng ráo hoàn toàn không có quy luật, hơi nước luôn
lượn lờ bảng lảng giống cảnh người xưa tả “Tiếng sấm rền, mưa mù u ám,
Vượn hú đêm, não nuột tiếng kêu” (1).
(1) Trích “Sơn quỷ” của Khuất Nguyên, câu thơ dịch của Phạm Thị
Hảo.
Ông nỗ lực giấu đi tính nhát gan của trẻ con, bày ra dáng dấp ông cụ
non trò chuyện với Lý Chủy, nho nhã lễ độ gọi Lý Chủy là “thế thúc”,
đường hiểm trở đến đâu cũng cắn răng tự đi, tuyệt đối không muốn Lý
Chủy bế. Nếu dọc đường Lý Chủy kéo hay đỡ ông, ông sẽ nghiêm túc trịnh
trọng nói đa tạ khiến Nam đao Lý đại hiệp quen nhìn bọn trẻ lỗ mãng trong
núi cảm thấy rất đau đầu.
Đi không biết bao lâu, Lý Chủy mới quay đầu cười với ông:
– Tới rồi.