Lý Chủy nói xong không lâu, quả nhiên nhanh chóng có dấu vết con
người, các thiếu niên chia nhóm luyện thương trên đất trống, vừa luyện vừa
gào thét chấn động đến mức chim trong núi bay loạn xạ, thấy hai người họ
đi qua, bọn trẻ liền cầm trường thương chỉnh tề, đồng thanh hô:
– Chào Lý thúc ạ!
Tiếng chào này còn khí thế dữ dội hơn bọn nha dịch trong phủ nha hô
“uy vũ”, chấn động khiến tai người ta đau, Lý Chủy đành dở khóc dở cười
khoát tay với chúng.
Tiến về trước nữa thì gặp mấy nam tử ăn mặc như tiều phu mỉm cười
hàn huyên với Lý Chủy, “các tiều phu” ai nấy đều xắn ống quần ống tay áo,
đeo cái gùi to cao bằng nửa người, trông vừa chất phác vừa hiền lành, sau
đó Chu Dĩ Đường vừa quay đầu thì mắt mở trừng trừng nhìn “tiều phu chất
phác” lần lượt nhảy lên vách núi cứ như mọc cánh sau lưng, vài người điểm
nhẹ xuống đất, nháy mắt liền biến mất trong núi. Chưa đợi Chu Dĩ Đường
kinh ngạc xong thì lại thấy một phụ nhân được mấy đứa trẻ vây quanh, phụ
nhân đó mặt mũi hiền từ phúc hậu, đang lấy bánh kẹo trong giỏ trúc nhỏ ra
chia cho đám trẻ, khiến người ta nhìn là cảm thấy thân thiết, nhưng liền sau
đó, trong tay bà đột nhiên có ánh kiếm lóe lên, Chu Dĩ Đường chưa kịp làm
rõ đó là gì thì ánh sáng cực nhỏ kia đã thu về trong vỏ – trên cây bên cạnh
có một con bò cạp chết rơi xuống.
Chu Dĩ Đường vốn sống trong gia đình phú quý vì ủng hộ tân pháp mà
bị đấu tranh đảng phái biến ảo khôn lường trong triều liên lụy, cửa nát nhà
tan.
Ông xuất thân tiểu thiếu gia, từ nhỏ chỉ đọc tứ thư ngũ kinh, chưa bao
giờ tiếp xúc với người trong võ lâm bay tới bay lui, vừa vào Thục Trung,
ông quả thực giống như bước vào thoại bản giả tưởng, nhìn chim thú gì
cũng cảm thấy mới mẻ, cứ tưởng rằng chúng nó cũng thân mang tuyệt kỹ.