Tính ngữ có ý nghĩa với Homère như thế nào thì chiếc quạt có ý nghĩa
với chủ nghĩa cộng sản như thế: Homère không phải là nhà văn duy nhất
trên thế giới sử dụng tính ngữ. Nhưng các tính ngữ chỉ có ý nghĩa nhất khi
được viết ra dưới ngòi bút của ông.
Năm 1985, trong bộ phim Bố đi công tác, đạo diễn Kusturica đã quay
một cảnh hỏi cung kiểu cộng sản với ba nhân vật: người hỏi, người bị hỏi
và một chiếc quạt. Trong cuộc hỏi-đáp dài vô tận ấy, chiếc quạt xoay và lúc
thì dừng lại ở phía người hỏi cung, lúc lại dừng ở phía người bị hỏi cung,
với nhịp độ đều chằn chặn: nó đứng im trước một nhân vật, rồi quay sang
nhân vật kia. Chuyển động phi lý và đáng sợ ấy đã đẩy tính bức bối của
cảnh quay lên đến tột cùng.
Trong suốt buổi hỏi cung, không có gì chuyển động, cả hai người đàn
ông và máy quay phim: chỉ có chiếc quạt chuyển động. Nếu không có chiếc
quạt, cảnh quay sẽ không bao giờ đạt đến được độ dồn nén như thế. Nó có
vai trò như dàn hợp xướng trong nghệ thuật sân khấu cổ, nhưng ở mức độ
nặng nề hơn nhiều, vì nó không đưa ra lời phán xét nào, không suy nghĩ gì,
chỉ đứng đó để họa theo các sự việc và làm nhiệm vụ của chiếc quạt một
cách chính xác tuyệt đối: hiệu quả và không có ý kiến, đó là dàn hợp xướng
mà những chế độ cực quyền vẫn hằng mơ ước.
Tôi không tin lời đảm bảo của một đạo diễn nổi tiếng người Nam Tư là
đủ để thuyết phục mọi người rằng tôi đã nghĩ đúng về những chiếc quạt.
Điều đó chẳng hề quan trọng. Liệu còn có ai ngây thơ đến mức nghĩ rằng
các học thuyết được đưa ra là để người ta tin vào chúng? Học thuyết dùng
để chọc tức những kẻ tầm thường, quyến rũ các nhà mỹ học và làm trò cười
cho những người còn lại.
Những sự thật khiến người ta bối rối đều có đặc điểm là thoát được việc
bị phân tích. Vialatte đã viết ra câu tuyệt vời này: “Tháng Bảy là một tháng