Một nàng công chúa người Nga xinh đẹp tuyệt trần (tại sao lại là người
Nga? đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi) khỏa thân bị vùi trong một núi tuyết. Cô
ấy có mái tóc dài đen nhánh và đôi mắt sâu, rất phù hợp với nỗi đau khổ
của mình. Vì giá lạnh khiến cô ấy phải chịu những đau đớn tồi tệ. Chỉ có
mỗi phần đầu của cô ấy ló ra ngoài đống tuyết và cô ấy thấy rõ rằng không
có ai đến cứu mình. Sau đó là một đoạn dài tả cảnh cô ấy khóc lóc và đau
đớn. Tôi hoan hỷ. Và rồi một công chúa khác xuất hiện, dea ex machina
,
kéo cô ấy ra khỏi đó và tìm cách sưởi ấm cho thân thể đã đông cứng của cô
ấy. Tôi không có hứng thú để kể xem cô ấy đã làm thế nào.
Tôi nộp bài với vẻ mặt bối rối.
Không hiểu sao bài làm của tôi ngay lập tức bị rơi vào quên lãng. Thầy
giáo thậm chí còn không nhắc đến nó.
Thế nhưng thầy lại đọc tất cả các bài khác, trong đó có những chú lợn
con, có chó đốm, có chiếc mũi bị dài ra mỗi khi ai đó nói dối - tóm lại, toàn
là những câu chuyện nghe quen quen.
Thật là xấu hổ, tôi phải thú nhận rằng tôi đã quên mất câu chuyện của
Elena.
Nhưng tôi không quên ai đã chiến thắng và nó đã chiến thắng nhờ trò mị
dân như thế nào.
Nếu so sánh, một chiến dịch tranh cử ở Rumani còn trung thực hơn.
Fabrice - tất nhiên, chính là nó - kể một câu chuyện về việc thiện.
Chuyện xảy ra ở châu Phi. Một thằng bé da đen thấy gia đình mình đang
chết dần vì đói nên bỏ nhà đi tìm thức ăn. Nó ra thành phố và trở nên giàu
có. Mười năm sau, nó trở về làng, đem rất nhiều thức ăn và quà về cho gia
đình, rồi xây một bệnh viện.