Gợi ý này có vẻ mang tính tiên phong và đặc biệt lố bịch, nhất là khi ở
Bắc Kinh, giá khoai cao hơn giá bút vẽ rất nhiều.
Các thành viên trong ủy ban được chia thành hai nhóm: nhóm họa sĩ và
nhóm gọt-cắt khoai tây. Tôi chắc chắn là mình không có chút tài năng gì và
tôi gia nhập nhóm gọt khoai. Tại đó, tôi đã tìm ra, với sự cuồng nhiệt kín
đáo, vô vàn kỹ thuật để ngầm phá hoại khoai. Tôi có thể phá hỏng các que
khoai bằng mọi cách, từ chỗ cắt quá mỏng hoặc vẹo, đến chỗ sử dụng một
phương pháp cổ xưa, nếu cần thiết, đó là ăn sống để thủ tiêu.
Tôi chưa bao giờ đặt chân đến một Bộ Văn hóa nào. Nhưng khi cố gắng
có được một ý niệm về Bộ Văn hóa, tôi nghĩ đến lớp học ở Thành phố
Quạt, với mười người gọt khoai tây, mười họa sĩ đang sáng tác những vết
màu trên giấy, mười chín nhà trí thức không đem lại lợi ích gì rõ ràng và
một thủ lĩnh đang một mình viết nên một câu chuyện tập thể vĩ đại và cao
quý.
Trung Quốc gần như không được nhắc đến trong suốt các trang trước,
không phải là vì đất nước này không thu hút tôi: không cần thiết phải là
người lớn mới bị nhiễm loại vi rút có tên gọi thay đổi theo từng trường hợp,
như là đam mê Trung Quốc, nói về Trung Quốc, thiện cảm với Trung Quốc,
tôn sùng Trung Quốc hoặc thậm chí là ăn Trung Quốc - vi rút này được gọi
tên tùy theo người ta sử dụng đất nước này vào việc gì. Người ta vừa mới
bắt đầu hiểu ra rằng quan tâm đến Trung Quốc nghĩa là quan tâm đến chính
mình. Vì những lý do kỳ lạ, chắc hẳn liên quan đến những đặc điểm của
Trung Quốc như diện tích bao la, lịch sử lâu đời, mức độ phát triển vô song
của nền văn minh, sự kiêu hãnh, sự tinh tế cao độ, sự cáu bẩn, những
nghịch lý tột độ hơn ở bất kỳ nơi nào khác, sự im lặng, vẻ đẹp huyền thoại,
quyền tự do diễn giải do đất nước này thật bí ẩn, sự toàn vẹn, danh tiếng về
trí thông minh, quyền bá chủ ngầm, tính vĩnh cửu, niềm đam mê mà đất
nước này gợi lên, cuối cùng và rất đặc biệt là sự thiếu hiểu biết - tóm lại,
chính vì những lý do ít chính đáng này, mỗi người có xu hướng tự thân là