Cái mà tôi đang nói đến, đó là sự có mặt của người nước ngoài ở đây.
Cần phải thống nhất với nhau về khái niệm “có mặt”. Đúng là chúng tôi
đang sống ở Bắc Kinh; nhưng liệu có thể nói là chúng tôi có mặt ở Trung
Quốc không, khi chúng tôi bị tách biệt triệt để khỏi người Trung Quốc? Khi
chúng tôi bị cấm đi đến hầu hết các nơi trên lãnh thổ nước này? Khi chúng
tôi không thể tiếp xúc với người dân nơi đây?
Trong suốt ba năm, chúng tôi chỉ tiếp xúc thật sự với một người Trung
Quốc duy nhất: đó là phiên dịch của đại sứ quán, một người tử tế mang cái
tên thật bất ngờ: Chang. Tiếng Pháp của ông ấy rất tuyệt vời và kiểu cách,
với những cách mô phỏng âm thật duyên dáng: ví dụ, thay vì nói “hồi
trước”, ông ý nói “trong làn nước lạnh giá”, vì ông ấy nghe từ “hồi
xưa”
thành ra như thế. Phải mất một thời gian chúng tôi mới hiểu tại
sao ông Chang rất hay bắt đầu câu nói bằng “trong làn nước lạnh giá”. Kể
ra thì những gì ông ấy kể về nước lạnh rất lôi cuốn và chúng tôi thấy rõ hồi
ức khiến ông ấy xúc động đến thế nào. Nhưng vì kể quá nhiều về nước
lạnh, nên ông Chang đã bị chú ý: chỉ trong một sớm một chiều, ông ấy biến
mất hoặc đúng hơn là bốc hơi mà không để lại dấu vết nào dù là nhỏ nhất -
cứ như thể ông ấy chưa từng tồn tại.
Mọi chuyện đều có thể đã xảy ra với ông ấy.
Gần như ngay lập tức, ông ấy được thay bằng một phụ nữ Trung Quốc
khó tính mang cái tên bất ngờ: Chang. Nhưng trong khi ông Chang được
gọi là ông, người phụ nữ này lại không thể chịu được khi không được gọi là
đồng chí; những câu gọi “bà Chang” hoặc “cô Chang” ngay lập tức bị coi là
lỗi ngữ pháp nghiêm trọng và bị sửa lại. Một hôm, mẹ tôi hỏi cô ấy: “Đồng
chí Chang, hồi xưa người ta gọi một người Trung Quốc như thế nào? Có từ
nào tương đương với ông hoặc bà không?
- Người ta gọi người Trung Quốc là đồng chí, người phiên dịch trả lời
đầy khắt khe.