HUYỀN SỬ CỎ TIÊN - Trang 112

Có chỉ ấn của nhà Vua, Phạm Vũ Long vào huyện nào, hạt nào cũng nhận
được sự giúp đỡ. Nhưng chàng cảm thấy làm như thế e không tiện. Bởi vậy,
chàng thường tìm đến các ông đồ hoặc các nho sinh. Dù là lạ lẫm nhưng
qua văn chương, chàng dễ tìm được sự đồng cảm. Từ đó, chàng hy vọng
tìm ra dấu tích của cha.
Một hôm chiều đã vãn, Phạm Vũ Long ghé vào một quán rượu sơ sài ở ven
đường uống vài ly tẩy trần. Vừa đặt chân tới cửa quan, chàng nghe một
giọng ngâm buồn bã cất lên:
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi kỵ địa thượng sương
Cử đầu khán minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Tạm dịch:
Trước giường trăng sáng như gương
Ngỡ là mặt đất có sương giăng màn
Ngửng đầu ngắm ánh trăng vàng
Cúi đầu thương nhớ quê hương khóc thầm!

Nhìn vào quán, chàng chỉ thấy một ông già đang độc ẩm. Chàng bèn hỏi:
- Hậu sinh xin hỏi lão trượng, lão trượng là chủ hay là khách?
Ông già ngửng lên nhìn chàng, đáp:
- Lão vừa là chủ lại vừa là khách.
- Thưa, lão trượng nói thế hậu sinh chưa hiểu.
- Có gì mà chưa hiểu, khi có khách, lão là chủ. Khi không có khách, lão tự
mời lão vài ba chén. Lúc ấy, lão không vừa là khách lại vừa là chủ hay sao?
- Hình như lão trượng đang có nỗi niềm, hậu sinh vào tẩy trần liệu có làm
lão trượng bận lòng không?
- Mở quán thì phải đón khách. Khách đáo gia hữu ngọc kia mà.
- Lão trượng đang độc ẩm có thể cho hậu sinh hầu lão trượng vài chén được
chứ?
- Thế thì vinh hạnh cho lão quá. Đừng cho lão là tò mò, công tử là con nhà
thi thư phải không?
- Chẳng hay vì sao mà lão trượng lại hỏi như vậy?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.