- Là bởi lão thấy công tử dáng điệu thanh tao, nói năng từ tốn.
- Thưa, hậu sinh cũng được học dăm bảy chữ của Thánh hiền. Chắc lão
trượng không phải quê vùng này. Có tha hương mới gửi nỗi niềm vào thơ
Lý Bạch đau đáu như thế.
Ông già thở dài đáp:
- Quê lão cách đây vài trăm dặm. Sáu bảy năm đi lính ăn cơm vua, trở về
làng, lão với chức dịch ở làng như nước với lửa. Theo bọn họ, lão không
còn là lão nữa. Không theo bọn họ, lão bị bọn họ chèn ép. Lão uất quá bán
hết gia cư điền sản đưa vợ con lên đây mua đất lập cư. Chẳng là hồi đi lính,
lão đã quen vùng này. Nhà lão kia kìa. Cả nhà lão sống bằng nghề làm bánh
tráng và nuôi heo. Lão mở cái quán tìm bạn cờ, bạn rượu. Chữ Thánh hiền
lão chỉ võ vẽ. Bài thơ vừa nãy lão ngâm là ông đồ bạn cờ chép cho lão. Lão
rất yêu quê mà phải xa quê. Bài thơ ấy hợp với cảnh tình của lão. Khi nào
ngồi một mình, hễ lão nâng chén là bài thơ ấy hành hạ. Cứ tưởng mượn
chén đuổi sầu, nào ngờ càng uống càng tỉnh, càng tỉnh càng buồn, câu thơ
đứt ruột lại vang lên.
Ông già kể chuyện đời mình. Bất thức, mỗi lời ông nói như một mũi kim
đâm vào lòng cái người đang đối ẩm. Mấy năm rồi, Phạm Vũ Long không
bao giờ vơi lòng quê. Gần hai mươi năm kể từ khi nằm trên võng đay
khoanh trong lòng mẹ, chàng đã hít thở khí trời châu thổ nguyên trong.
Những trưa đi câu, những chiều đuổi bướm, những đêm hè sáo trúc vờn
trăng, bạn bè túm tụm trên cây cầu gỗ nhỏ trước làng cứ hiện lên mồn một
trong chàng. Quê chàng đồng xanh ngút ngát. Xa xa, biển cả ồn ào. Mùa
lúa chín, xóm làng như hội. Xuân về, trống rước thì thùng. Rồi những ngày
cùng bạn bè ngồi bệt trong nhà cụ đồ Thanh khản cổ gào:
Thiên trời, địa đất
Cử cất, tồn còn…
Chiếc roi mây hiện về. Roi của thày óng vàng. Ai nghịch ngợm, lười nhác
thì chiếc roi trong tay thày vút xuống. Tiếng roi xé gió rợn người. Nhưng
roi chạm vào lưng trò lại không hề đau. Vậy mà chàng phải xa nơi ấy, lại
phải dấu tên, dấu quê, dấu cả gương mặt trời phú. Cửa nhà tan nát, mỗi
người náu thân một nơi, không biết sống chết thế nào! Tể tướng đối với