May sao, ngày hôm sau giữa ban ngày, đức Vua triều trước hiển linh báo
cho bố biết. Ngài nói: "Con gái ngươi đã dẫn ái nữ của quan Tổng đốc đi
trốn. Đó là mối nguy của bọn gian ác. Sớm muộn chúng cũng không để
ngươi yên. Ngươi phải tính kế cho vẹn toàn để giữ người hương khói và
may ra sau này con trai người có thể giúp Vua tạo phúc cho dân." Vậy là
hôm sau, bố cho mẹ con và em trai lớn của con đến một nơi xa ẩn thân. Bố
thì dẫn em trai út của con chạy nạn và tìm con.
Thục Trâm thốt lên:
- Đức Tiên Vương thật anh linh. Nếu ngài không hiện về báo cho bố biết
chắc là bố gặp hoạ rồi.
- Trông mặt bố thế này chắc con hiểu vì sao rồi. Mẹ và các em đều phải thế.
Thục Trâm than thở:
- Ai muốn làm bộ mặt giời cho xấu đi đâu! Vậy mà lại phải làm...
- Dọc đường bố chứng kiến bao cảnh đau thương do bọn quan tham, bọn
giầu có tàn ác gây nên. Nhưng giữa bao bọn tham lam, tàn bạo vẫn có
những tấm lòng vàng như vợ chồng ông lão đánh cá, như ông Thuận.
Những con người nghèo khổ ấy lại dang tay đỡ những cuộc đời vất vưởng,
lang thang không nơi nương tựa.
Ngài Tri huyện đã kể lại cuộc gặp gỡ hai cuộc đời khốn khó là Cu nhớn, Cu
con tức là Mộc và Mạc. Mộc đã định giết Tể tướng cùng Tổng quản thị vệ
để trả thù cho công tử con trai quan Ngự sử ra sao. Ngài lại kể cuộc gặp
Oanh Nhi và rút ra tờ giấy được coi như báu vật đưa cho Thục Trâm và nói:
- Đây là tờ giấy Tể tướng tập viết giả chữ của quan Tổng đốc trước khi viết
thêm bốn chữ "phản nghịch" vào thư của quan Tổng đốc gửi quan Ngự sử.
Tờ giấy này Oanh Nhi nhặt được. Nó là vật chứng buộc tội Tể tướng. Con
thấy nên làm như thế nào?
Suy nghĩ một lúc lâu, Thục Trâm đáp:
- Thưa bố, nếu Oanh Nhi đứng ra tố cáo hoặc đứng ra nhận là đã nhặt được
tờ giấy đó tại nơi làm việc của Tể tướng thì việc buộc tội lão quan gian
giảo, tàn ác không khó. Nhưng nếu Oanh Nhi phủi tay không nhận là đã
nhặt được tờ giấy đó để giữ mạng sống cho đứa con thì việc sẽ trở nên khó
khăn vầ rất nguy hiểm cho người đứng ra tố cáo, trừ khi đấng Vua anh