- Đã trót rồi biết làm thế nào?
- Chị hãy đặt chị vào chỗ đứng của nhà Vua, rồi chị lại đặt chị vào vị trí của
tham quan. Chị sẽ viết ra được những điều nhà Vua cần. Nhưng nếu chỉ có
thế thôi e rằng nhà Vua sẽ nản. Bởi vì việc này kinh thiên động địa. Chị lại
phải đứng vào chỗ đứng của dân manh lệ. Chắc chắn, ngòi bút của chị sẽ
khoáng đạt bởi sự hồ hởi, phấn chấn của nghìn vạn người. Nếu nhà Vua là
bậc anh minh vì sông núi này thì trời nghiêng đất sụt Ngài vẫn cứ làm.
- Cậu không giúp chị được hơn nữa hay sao?
- Nhà Vua sẽ hỏi chị khi Ngài đọc những điều chị viết ra. Chị có nghĩ ra
viết ra, chị mới trả lời nhà Vua được. Khi nào chị viết xong, chị cho em ngó
qua. Nếu góp thêm được ý nào đó, em không tiếc chị.
Những điều em nói, bà Thục Trâm đã nghĩ tới. Nhưng vì em đã là một Cử
nhân đến Thượng Hoàng cũng phải khen văn tài sâu rộng nên bà không thể
không hỏi em. Có mấy lời của em, bà vững tâm lắm. Bà thấy đầu bà thêm
sáng, bút bà thêm chắc. Những suy nghĩ đẹp đẽ của Tổng đốc Hải Đông
sống lại, hiện lên trên mặt giấy. Hoàng Tướng công đã lường trước được
những gì diễn ra khi nhà Vua đụng vào bọn tham quan. Bởi vậy, ngài đã
vạch ra cách tiến hành khi nhà Vua đã chuẩn bị chu đáo…
Viết xong, bà Thục Trâm đưa cho em. Phạm Vũ Long đọc đi đọc lại rồi nói
với chị:
- Còn vài điều chị bỏ qua hoặc chị chưa nghĩ tới?
- Đó là những điều gì?
- Chị xem những vị quan liêm khiết có ai sống sung túc không? Họ đều
khốn khổ vì cơm áo. Nhiều vị quan phục chỉ có một bộ, lên công đường vội
khoác vào, về tới cửa đã phải cởi ra ngay, gấp cho vào hòm. Hoa trên áo đã
xờn, lưng áo đã bạc mà vẫn phải nâng niu, muốn may bộ mới nhưng không
có tiền. Ngày xưa, bố là người trong số các vị đó. Chắt chiu được ít bạc, bố
phải dành cho chị để chị lánh nạn. Ngày cả nhà ta trốn khỏi làng, bố mẹ chỉ
có hai bàn tay trắng. ở nơi ẩn náu, mẹ và em phải làm thuê để sống. Tha
hương, bố và em phải trông vào nghề thuốc độ nhật. Đến như Tổng đốc Hải
Đông, ngài cũng phải trông vào cỗ khung cửi của Tổng đốc phu nhân, cơm
áo mới tạm đủ.