Bà Thục Trâm cứ ngẩn người ra. Thì ra những ngày mình có bạc để chạy
trốn, cả nhà vơi cơm mỏng áo, lần hồi từng ngày. Vậy mà bố mẹ và hai em
không ai hé răng. Rồi bà thốt lên:
- Đúng là chị chưa hiểu được nỗi cực khổ của cả nhà và chưa nghĩ tới
những điều em vừa nói.
Phạm Vũ Long đỡ lời chị:
- Trong số đông tham quan có những vị chẳng đừng được nên cũng đành
nhắm mắt làm liều. Vua chăn dân chưa đủ mà phải chăn cả quan nữa, phải
chăn những người bảo vệ cái ngai vàng. Những kẻ mọt dân, mọt nước Vua
phải quyết không nhẹ tay. Còn những vị quan thanh liêm, những người đổ
mồ hôi cho quốc khố có bạc, những người lấy thân che đỡ cho triều đình,
Vua phải ngó xuống xem họ sống có ra người không. Vua lo cho họ chính
là lo cho ngai vàng của Vua. Họ trước sau hết lòng vì Vua nếu Vua không
là hôn quân. Vua mà lo cho họ, họ không dại gì ăn cây táo lại đi rào cây bồ
hòn. Cứ xem những người thợ săn chăm lo cho con chim mồi thế nào ta sẽ
hiểu vì sao nó hết lòng với chủ.
Bà Thục Trâm vui lắm bởi trí tuệ của Phạm Vũ Long đã vượt xa sự nhìn
nhận của bà. Nếu Phạm Vũ Long ham danh, tân Cử nhân chắc chắn có một
ngôi vị tàm tạm. Nhưng cuộc đời chìm nổi của bố, cái chết oan ức của
Hoàng Tổng đốc khiến em trai bà nhận ra quan trường đầy cạm bẫy, tham
ắt chuốc họa, thanh chưa dễ đã yên thân, nhu người ta chèn, cương người ta
triệt….
Qua chuyện trò với em, bà sáng thêm bao điều. Những điều đó lại được thể
hiện trên mặt giấy.
Nhận được truyền chỉ, Thượng thư Bộ hình vào cung ngay. Quỳ trước nhà
Vua, Thương thư Bộ Hình run run:
- Hạ thần chúc Hoàng thượng anh minh, vạn thọ.
- Khanh đứng lên đi. Vụ Đỗ Hối, khanh tra xét đến đâu rồi?
- Tâu Hoàng thượng, thần có đủ chứng cứ, chứng nhân về tội tày đình của
Đỗ Hối.
- Những cáo giác của bà Nương và của con giai Đỗ Hối đã làm rõ chưa?
- Tâu đức Vua, thần đã cho Đỗ Hối và nhân chứng đối chất. Những điều mà