- Tâu Thánh quân, Tổng đốc Hải Đông còn nói: Nhà Vua phải giữ bí mật
cho tới khi hành sự. Những vị quan nào có quyền thế lớn mà cảm thấy sẽ
chống đối thì phải có cách từ trước khi khởi sự… Đừng để như đến lúc xuất
chinh phá giặc, chủ soái mới rà soát trong quân có nội gián hay không?
Điều cuối cùng bắt buộc phải lo. Đó là quốc khố phải có đủ bạc chi tiêu
trong một năm. Có điều này nhà Vua sẽ làm chủ được đại cuộc.
Nhà Vua tư lự giây lát, nói:
- Các điều khác dù chẳng dễ nhưng Trẫm không lo. Điều Trẫm lo nhất là
quốc khố vơi bạc. Nhưng không phải không có cách khi Trẫm đã quyết.
- Tâu Thánh minh, nghị lực và tài trí của Hoàng thượng Vua cha đã biết.
Chính vì vậy Vua cha có ý truyền ngôi cho Người trước khi Hoàng tử
trưởng khước từ ngôi báu.
- Trẫm hỏi khanh, vì sao khanh thấu tỏ gan ruột Hoàng Kiến Nghiệp đến
thế?
- Tâu Hoàng thượng, dân phụ là thày học lại còn là nhũ mẫu của tiểu thư
Kim Phụng. Hoàng Tướng công tuy đáng bậc chú bác của dân phụ nhưng
quý trọng dân phụ nên ngài đã coi dân phụ như bằng hữu vong niên. Bởi
vậy có điều gì tâm đắc, Hoàng tướng công đều cho dân phụ biết.
ánh mắt của nhà Vua bỗng trở nên xa xăm, rồi Ngài nói:
- Ước gì, Trẫm cũng có người tương giao tương cảm như khanh với Hoàng
Kiến Nghiệp.
Bà Thục Trâm rất hiểu hàm ý câu nói của nhà Vua. Bà ái ngại cho Ngài. Vì
điều Ngài ao ước chỉ là ảo vọng mà khởi phát của ảo vọng ấy lại chính là từ
bà. Bà nói gì Kim Phụng và Sơn Nữ cũng nghe. Nhưng bà lại biết Kim
Phụng không thể sống nổi khi phải xa Sơn Nữ. Hơn nữa, Sơn Nữ như con
họa mi, phải trả nó về rừng xanh không thể nhốt vào lồng được. Bỗng nhà
Vua hỏi:
- Còn ai là người giúp Trẫm lo việc lớn sao không thấy khanh nói tới?
- Tâu Hoàng thượng, dân phụ làm sao mà biết được các đại thần của ngài.
- Trẫm muốn việc này bất ngờ đến phút chót. Các đại thần tâm phúc chỉ
nhập cuộc khi đại sự khai triển. Vua cha chọn Phạm Vũ Long. Khanh thấy
thế nào?