Anh Thạnh đã về sống tại Tuy Hòa gần năm nay. Hình như khi có tuổi,
người ta gắn bó với quê hương nhiều hơn. Chẳng đã có người ở nhà lầu, đi
xe con, tiêu bằng đôla, về già, đau đáu một nỗi niềm, muốn sống nốt phần
đời còn lại tại nơi chôn rau cắt rốn đó sao? So với những lần gặp trước, anh
Thạnh sút hơn, nhưng vẫn khoẻ. Tiếng nói vẫn vang. Trí nhớ chưa bị hao
tổn. Khi tôi gợi lại chuyện, anh lặng đi một lát. Và hình như anh khóc. Con
người ăn sóng nói gió, từng nhiều lần đối mặt với cái chết, coi thường hiểm
nguy lại mềm yếu vậy sao?
- Nhắc chuyện, nhớ và thương anh em mình quá! Anh nói - Hồi ấy người ta
sống với nhau tốt lắm. Người ta giằng cái chết về mình và nhường phần
sống cho đồng đội. Chuyện như không có thật trên thế gian này. Anh em
mình tốt tới mức, nếu kể lại, người đời bây giờ chắc gì đã hiểu, đã tin. Ấy
mà thật vô lý, những người tốt đến thế đã chẳng còn… Mỗi lần nhớ lại
chuyến vào Đức Phổ, Quảng Ngãi, tôi không khỏi bần thần. Đã 35 năm rồi
mà có lúc nào không nghĩ tới. Đêm nào tôi cũng thấy anh Lộc, anh Nhợ
mảnh mai, chập chờn như hai cái bóng chới với nơi trảng cát mông lung.
Đêm nào cũng thấy cái quầng sáng khổng lồ trùm kín cả một vùng biển!…
Anh Thạnh dừng lại một lát, đẩy về tôi ly nước rồi nói tiếp:
- Đức Phổ là bãi ngang, bờ cát đổ ra biển thoai thoải, nên chỉ có thể đưa tàu
vào lúc nước cường. Thả hàng trong đêm và phải rút ra ngay trong đêm. Để
có chuyến đi đó, chúng tôi chuẩn bị khá công phu. Đây là lần đầu tiên thử
nghiệm phương thức thả hàng xuống bãi ngang để bến mò vớt sau. Trong
lịch sử, chưa một ai dám đưa tầu sắt vào bãi ngang. Bãi ngang là khu vực
trống trải, những con sóng từ ngoài khơi đang đà lao vào, gặp bờ cát chắn,
thuận đà, đập mạnh, bức bối dâng nước cuộn lên. Dân đi biển gọi sóng ấy là
sóng cuốn chiếu. “Gân cát” ngoài mép nước hình thành bởi sóng đập vào
bờ, kéo ra là tai hoạ cho mọi loại “chân vịt” khi tầu vào gần, bị dồi lên.
Để làm quen với địa hình giống địa hình nơi tầu 41 sẽ vào, chúng tôi kéo
nhau tới bãi ngang gần cửa Ba Lạt (Thái Bình) tập luyện. Tập hàng tháng.
Tập vào bến. Tập thả hàng, đánh dấu. Tập quay ra... Vũ khí đưa vào bến
trong chuyến đi này được đóng gói đặc biệt. Không dùng hòm gỗ như các
chuyến trước, mà bọc kín bằng lớp vải thấm Paraphin, bó chặt như gói bánh
tét. Rồi xâu vào với nhau...