Thùy. Cô làm y tá, vừa làm “anh nuôi” ở bến. Chẳng rõ sao chỉ mấy hôm
rỗi rãi, xuống giúp “nhà bếp”, tôi đã thấy mến người con gái này. Rồi say.
Và yêu. Tôi chưa gặp tình cảm như thế nơi mình bao giờ. Thùy cũng vậy.
Nàng nói lần đầu trông thấy tôi, như thể có luồng điện chạy qua người, lạ
lắm. Và kêu rằng đây là mối tình đầu. Tình yêu là gì, làm văn làm báo như
mấy ông có nhiều định nghĩa. Nhưng suy từ tình cảm mình ra, tôi gọi tình
yêu là nỗi nhớ. Không đúng sao? Chỉ bén tiếng nhau dăm ba ngày, mà khi
tầu nhổ neo trở lại miền Bắc, thấy Thùy đứng trên bờ ngóng theo, tôi nao cả
lòng. Rồi những ngày kế đó, nhớ thôi là nhớ. Nhớ thẻo ruột gan luôn. Nỗi
nhớ là thước đo của tình yêu! Nào, đúng chưa? Ông đừng nghĩ cánh thủy
thủ chúng tôi ăn sóng nói gió, chỉ biết ngoéo cò súng, tình cảm đã chai lỳ
nghe! Trong địa hạt tình yêu, nhà văn các ông và lính tráng tụi tôi, bình
đẳng. Không hẳn cứ viết lách thì lãng mạn hơn... Đương nhiên là trước khi
chia tay, tụi này có hẹn hò, có thề thốt... Từ ngày có Thùy, chỉ mong cấp
trên lệnh đưa tầu vào Cà Mau. Nhưng hoàn cảnh cố tình thử thách tụi này.
Sau vụ tầu 143 của ông Thêm bị lộ ở Vũng Rô, không còn cơ hội vô miền
Tây nữa. Chúng tôi bặt tin nhau... Nè, phụ nữ khi đã yêu, họ “dữ dằn”, họ
liều lắm đó nghe... Lớ rớ là chết với họ. Bốn năm không có tin tôi, và nghe
đồn đại thủy thủ phong tình lắm, gái Bắc lại đẹp, Sáu Thùy không yên tâm.
Để rõ trắng đen, cũng có thể nữa là vì nhớ tôi, muốn gặp tôi, cổ vạch ra kế
hoạch khá táo bạo. Sáu Thùy xin đi cùng một tiểu đoàn của Đoàn 962 lên lộ
Vòng Cung (Cần Thơ) tham gia chiến đấu, với hy vọng từ lộ Vòng Cung,
qua lộ Cái Sắn, từ đó tìm đường vượt Trường Sơn ra Bắc. Ghê không? Đơn
vị 962 đã có chị đi tìm chồng bằng cách đó. Nhưng Sáu Thùy không thành
công. Những ngày ấy mặt trận Cần Thơ rất ác liệt. Ta và địch tranh chấp
từng mét đất. Là y tá, Sáu Thùy được biên chế về đội phẫu Trung đoàn 1,
rồi qua đội phẫu Trung đoàn 2. Công việc triền miên, không thời gian rảnh
để nghĩ đến chuyện riêng tư...
Năm 1968, tôi đưa tầu 43 vô Quảng Ngãi, thuyền trưởng Nguyễn Chánh
Tâm đưa tầu 165 với ý định vô Vàm Lũng, Cà Mau. Tầu tôi phải huỷ, ông
rõ rồi, còn tầu Nguyễn Chánh Tâm gặp địch. Tầu nổ. Toàn bộ thủy thủ hy
sinh. Vậy mà không rõ nghe phong thanh từ đâu, Sáu Thùy ngỡ tôi đi tầu
165, và đã chết trên biển. Thời gian tôi đang được bác sỹ Trâm chăm sóc ở
Đức Phổ, thì tại Cần Thơ, người yêu lập bàn thờ thắp hương, để tang...