Vừa rồi, nhằm có thêm tư liệu viết cuốn sách này, cùng Tô Hải Nam vào
Cần Thơ, tôi có đến nhà riêng thăm chị Thùy anh Thắng.
Anh chị vừa có việc riêng, nên mới ở quê ra. Hai người đón tôi thân tình.
Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, hết sức vui.
- Anh đã có dịp trở lại Đức Phổ chưa? - Tôi hỏi.
Anh Thắng thoáng buồn:
- Đấy là điều day dứt, áy náy nhất của tôi. Đức Phổ không chỉ là mảnh đất
ân nghĩa, chở che, đùm bọc các thủy thủ tầu 43. Mà ở đó, đồng đội tôi, Vũ
Văn Ruệ, Võ Tòng Nho, Phạm Văn Rai, còn nằm lại... Thương nhất là Ruệ,
mới cưới vợ chưa đầy một tuần... Ông đã rõ chuyện chúng tôi hồi Mậu
Thân rồi đấy. Bốn con tầu ấy, đêm hai chín tháng hai (29-2) rạng ngày một
tháng ba đều đã gặp địch. Và chỉ tầu 56 trở về. Tầu 165, tầu 235 số phận
còn kém may mắn hơn tầu 43. Tầu 165 và mười tám đồng đội của tôi trên
con tầu đó đã ra đi, không để lại một dấu vết...
Anh Thắng lại lặng đi. Chuyện đã hơn bốn mươi năm, nhưng với người
thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng, thì vẫn là những kỷ niệm sâu đậm,
không thể phai mờ.
Để tránh nỗi đau trong anh, tôi lái qua chuyện khác. Chuyện xã hội, chuyện
anh và anh Tư Mào thành lập đoàn “tàu hai đáy”, chuyện về mấy đứa nhỏ...
Chúng tôi ngồi đến khuya...
Cần Thơ về đêm dìu dịu. Hơi nước từ sông Hậu tỏa ra thơm và mát lạ!
Tầu 165
Từ Cần Thơ, chúng tôi lần tới vùng biển phía Nam, lang thang đây đó, với
chút hi vọng mong manh biết thêm ít nhiều về tầu 165 và đồng đội trên con
tầu ấy. Nhưng vô hiệu. Giữa một vùng xanh ngắt mênh mông những nước
là nước này, tìm đâu ra dấu vết con tầu nhỏ nhoi đã hoá thân vào biển cách
đây hơn bốn mươi năm?... “Vết tích” tầu 165 để lại chỉ là hai bức điện gửi
về sở chỉ huy trong đêm 29 tháng 2 rạng ngày 1 tháng 3 năm Mậu Thân, tôi
tìm được trong số hồ sơ ít ỏi còn lưu giữ ở Bộ Tư lệnh Hải quân. Bức điện
thứ nhất đề lúc 18 giờ ngày 29 tháng 2: “Chuyển vào. Gặp máy bay trinh