Ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa, biết là vô vọng, chúng tôi vẫn đi dọc
bờ biển có ý kiếm tìm... Nhưng trên bờ cát, nơi cửa vàm, chỉ bắt gặp vài ba
mảnh gỗ xơ tướp, sóng đánh trôi dạt vào...
Tôi và anh Bẩy cùng ngồi lặng. Dịp này, Cần Thơ đang tổ chức lễ hội du
lịch. Ngoài phố nườm nượp người, nườm nượp xe. Loa phát thanh, ti vi
đang rầm rĩ quảng bá cách tiêu tiền, làm thế nào cho “cuộc sống có chất
lượng”...
Thật khiếm khuyết và có lỗi nếu trong cuốn sách nhỏ này, tôi không ghi đủ
tên họ những thủy thủ đã quả cảm ra đi cùng con tầu 165 đêm hôm ấy.
Thuyền trưởng: Nguyễn Chánh Tâm; chính trị viên: Nguyễn Ngọc Lương;
thuyền phó: Hoàng Văn Tuyết và Nguyễn Văn Thông; Phó chính trị viên
Nguyễn Văn Danh; thợ máy: Nguyễn Văn Thị, Trần Văn Dựng, Nguyễn
Duy Tạo; Báo vụ: Lý Khánh Hồng và Vương Văn Diêng; thủy thủ trưởng:
Nguyễn Kính; hàng hải: Nguyễn Văn Em và Mai Đức Long; Y tá: Nguyễn
Đình Văn; Thủy thủ: Trần Văn Quồi, Phạm Văn Phương, Trần Văn Bé; cơ
yếu: Vũ Hữu Nghị.
Ngoài cán bộ tàu, hầu hết các thủy thủ “ra đi” cùng con tàu 165 đêm hôm
đó còn ở độ tuổi rất trẻ, hầu hết mới trên dưới hai mươi...
Những dòng viết sơ lược và không mấy đầy đủ này, xin được coi như nhành
hoa thả xuống biển để tưởng nhớ tới hương hồn các anh trên tầu 165.
Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên họ, xin đừng quên những con người
quả cảm như thế! Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên cuộc chiến đấu vừa
qua!
Tầu 56
Trong khi tầu 235, tầu 43 phải huỷ ở Hòn Hèo và Quảng Ngãi, tầu 165
chiến đấu rồi toàn bộ thủy thủ ra đi cùng con tàu tại vùng biển Cà Mau, thì
tầu 56 đang đấu trí ở vùng biển Bình Định. Đại tá Hồ Văn Kiêm, vốn là
thủy thủ tầu 56, đã kể với tôi về chuyến đi đó. Anh nói:
- Ngày hai sáu tháng hai (26 - 2), chúng tôi được lệnh nhổ neo. Tầu do
thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba và chính trị viên Đỗ Như Sạn chỉ huy.
Thuyền phó là Lê Xuân Ngọc và Nguyễn Văn Sơn. Các anh: Phan Nhạn,