đội đưa vũ khí vào chiến trường. Lúc anh là thủy thủ, lúc là thủy thủ
trưởng, sau đó được bồi dưỡng, rồi được đề bạt làm chính trị viên tàu 645.
Anh sống thủy chung, có tình, có nghĩa. Thủy thủ trên tàu coi anh như
người anh cả, bởi Nguyễn Văn Hiệu không chỉ là người lớn tuổi nhất, (khi
đó anh chừng bốn mươi), mà còn vì anh chu đáo, biết chăm lo cho từng
thành viên. Anh là chỗ dựa, là trung tâm đoàn kết của mọi người. Những ai
gặp khó khăn, có những điều khúc mắc, thường tìm đến anh để tâm sự, giãi
bày. Và đều nhận được ở chính trị viên những lời khuyên giải chân thành,
thấu đáo. “Anh nghe đây, em cứ nói đi…”. Anh quen gọi “lính” của mình
bằng “em” và chúng tôi rất thích lối xưng hô ấy. Nó vừa thân tình, lại vừa
gần gũi… Nguyễn Văn Hiệu là người mới tiếp xúc thì ngỡ rằng khô khan.
Anh ít nói, khi cần nói cũng rất kiệm lời, kể cả trong cuộc họp. Hồi bấy giờ,
không ít cán bộ, mỗi lần lên cơ quan, đều tỏ ra sởi lởi, vuốt ve các trợ lý, cố
tình tiếp cận để cấp trên chú ý. Anh không thế. Xong việc là lẳng lặng về
tàu. Không la cà đàn đúm. Song, anh là người sống hết sức tình cảm. Muốn
nhận ra độ sáng viên ngọc quý, phải sống gần anh lâu lâu và phải chứng
kiến những việc anh làm. Mỗi lần tàu đi xa về, anh đều tìm mọi cách để
thủy thủ được nghỉ ngơi, hoặc sắp xếp để mọi người có điều kiện về thăm
nhà. Ai thiếu tiền, anh móc túi dúi cho, mặc dù lương thiếu úy của anh
chẳng bao nhiêu. Gia đình gần chỗ đóng quân nhưng ít khi anh về. Anh ở
lại trực, để như anh vẫn nói, “các em gắng tranh thủ nghỉ ngơi, giúp cho
chuyến sau đi tốt hơn”… Bao nhiêu năm sống cùng chính trị viên, nhưng
chưa một lần tôi thấy anh to tiếng, quát tháo cấp dưới. Ai làm sai, anh nhẹ
nhàng: “Em nên thử lại một lần nữa. Lần sau nhất định sẽ tốt hơn”. Bởi vậy
anh là chỗ quy tụ, là niềm tin của chúng tôi. Điều đáng ngạc nhiên nữa là,
Nguyễn Văn Hiệu hầu như không say sóng. Mỗi lần tàu ra khơi, gặp sóng
to, anh thường xuống bếp nấu cháo và mang đến cho từng người: “Ăn đi
em, gắng một chút để có sức mà làm việc. Tàu sắp chuyển hướng vào bến
rồi…”. Nhà anh chật và nghèo lắm! Song không một lần anh mang bất cứ
thứ gì của tàu về nhà, mặc dù hồi đó chúng tôi rất được cưng, tiêu chuẩn ăn
cao, lúc nào hoa trái bánh kẹo cũng dư dật. Có lần chúng tôi lén mang một
ít về cho các cháu. Biết chuyện, anh không rầy la nhưng nhìn chúng tôi với
thái độ trách móc, rồi nói: “Lần sau các em đừng làm thế, tôi buồn”. Từ đấy
không ai dám thế nữa… Vậy mà chuyến ấy anh đã ra đi, ra đi mãi mãi…
Anh ở lại điểm hỏa phá tàu vì sinh mạng 16 anh em chúng tôi, đã đành, mà
còn vì, anh lo tàu không nổ, địch áp vào bắt sống kéo về…Bao nhiêu năm