giặc... Anh Dĩa kiên nhẫn: Chú nghe tôi một lần đi mà... Mình ngước lên
nhìn trời, rồi nhìn vào khoang tầu, nơi có ba mươi tấn vũ khí trong chuyến
đi đầu tiên này, đặng tìm một lối thoát... Út Một ơi, trách nhiệm thuyền
trưởng nặng lắm!... Anh Dĩa vẫn giữ ý kiến: Không chờ lâu được đâu. Chú
quyết đi!... Tôi với chú đã từng gian nan cực khổ trăm bề thời đánh Pháp.
Nhưng thời đó anh em mình chưa mang nặng cái trọng trách như lúc này...
Hướng vô bờ, nếu gặp địch, tôi và đồng đội ở bên cạnh chú, cùng sống,
cùng chết... Chớ ở đây, gió nổi lên, tôi bất lực. Chú còn nhớ gió lòng chung
thuở ấy, chú và tôi phải tấp vô Bến Ngự của Vua Gia Long; cả tháng trời
phải ăn củ chuối...
Mình nao núng quá! Anh Dĩa cũng có lý, cách bờ những hơn hai trăm cây
số, nếu gió nổi lên là không kịp xoay xở, chết một cách thụ động. Nhưng
nếu vào gần bờ, gặp địch là tiêu luôn cả người và vũ khí. Quan trọng hơn,
con đường có nguy cơ không giữ được bí mật nữa... “Nhưng chạy vô bờ,
vẫn hy vọng hơn. Chú nghe tôi đi!”
Mình đồng ý chuyển hướng vô bờ, nhưng tuyên bố: chỉ còn một người sống
sót cũng phải tìm cách huỷ tầu! Anh Dĩa bảo: chỉ cần tầu địch áp sát vô, anh
em tôi cho tầu nổ luôn, thuyền trưởng khỏi băn khoăn.
15- 10- 1962
4 giờ sáng, gió giảm dần. 8 giờ, trời đã quang hơn. Một hòn đảo lờ mờ hiện
ra. Thợ máy Năm Sao nói: Côn Đảo!
Anh Dĩa kể: mình bị nhốt trên ấy 5 năm, từ 1940 đến 1945... Đang giam ở
khám Chí Hòa, nửa đêm bị dựng dậy. Lính đẩy tù nhân lên xe, rồi tống
xuống tầu há mồm. Đi Côn Đảo. Tù nhân bị xiềng chân vào nhau, nằm la
liệt trên sàn tầu. Qua khe hở, ngước nhìn trời, thấy ánh sao, thèm tự do quá!
Lơ mơ ngủ, lại thức giấc vì sóng hất nước lên, ướt như chuột. Sáng hôm
sau, chưa hết say sóng, đã bị đẩy vào phòng giam. “Đây là Côn Đảo nghe
các con! Ương bướng, nát thây đó”. - Câu đầu tiên nghe được sau một đêm
lênh đênh trên biển. Kế đó là tiếng gió vút bên tai, chiếc roi da phủ đầu quất
vào cơ thể, đau rát. Sau trận đòn dằn mặt, đồ đạc mang theo bị thu sạch. Chỉ
bộ đồ dính da là còn. Hồi đó đang mùa gió chướng. Gió chướng là gió từ
biển thổi vào đất liền. Tù nhân thường lợi dụng mùa này, đóng bè thả trôi,
vượt ngục. Chúng thu đồ, bởi vậy...