Xuyên Mộc. Rồi cùng huyện uỷ Xuyên Mộc đi mở bến. Len lỏi lục tìm ở
Kẻ Gà, Phước Bửu, La Gỉ, Bình Châu, Nước Ngọt, Hồ Cóc, Hồ Chàm...,
cuối cùng xác định chỉ có một nơi lập bến được. Ấy là sông Ray (Tức cửa
Lộc An) thuộc xã Phước Hải. Sông Ray nước sâu, tầu 50 tấn có thể vào
được. Nơi đây cách đồn Nước Ngọt 1 cây số, cách đồn Phước Hải 2 cây số
và cách Vũng Tầu 15 cây số. Gần địch, nhưng có thể lợi dụng yếu tố chủ
quan, ít đề phòng của chúng.
Nhờ sự giúp đỡ của bà con Phước Hải, đồng chí Dương Quang Đông đã tổ
chức được một đội thuyền đi ra Bắc..". (lịch sử Lữ đoàn 125 - tức đoàn tầu
không số- Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - Năm 2001)
Bác Dương Quang Đông (tức Năm Đông) là một lão thành cách mạng, hoạt
động từ thời tiền khởi nghĩa. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 giặc Pháp
gây hấn, lần lượt chiếm đóng hầu hết Nam bộ. Nhân dân Nam bộ “thành
đồng của tổ quốc”, những người “đi trước về sau”, đứng lên kháng chiến.
Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban kháng chiến Nam bộ lúc bấy giờ giao cho bác
Dương Quang Đông nhiệm vụ gây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng
người Việt ở nước ngoài, để họ tiếp lửa với đồng bào trong nước, cụ thể là
mua súng đạn và tổ chức vận chuyển về Nam bộ. Bác đã qua Thái Lan, Ma-
lai-xi-a và nhiều nước ở Đông nam á để thực hiện công việc ấy… Những
năm kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục lại giao cho bác nhiệm vụ tổ
chức người ra Bắc xin vũ khí và chuẩn bị bến bãi để nhận vũ khí.
Thời bác Dương Quang Đông còn sống, tôi và anh em đoàn “tầu không số”
thường ghé qua thăm, cũng là để hỏi thêm chuyện. Bác ở trong một ngõ
nhỏ, đường Hai Bà Trưng, quận Ba, thành phố Hồ Chí Minh. Khi nhắc đến
việc mở bến ở Bà Rịa và cử người ra Bắc xin vũ khí, bác hào hứng, kể rất
nhiều, kể rất vui. Bác nói rằng thời ấy, miền Đông đói dài, địch lại đánh phá
liên miên, nên rất khó khăn. Làm một việc quan trọng: mở bến, sắm thuyền
sắm lưới để ra Bắc, nhưng Trung ương Cục cũng chỉ chi có 100 ngàn đồng.
Bác và ba người nữa xuyên Mã Đà đi về hướng biển. Trên đường, bị phục
kích, ba đồng chí cùng đi hi sinh, số tiền ít ỏi mang theo cũng mất. Còn lại
một mình, bác lần đường tìm về Phước Hải. Bác gặp má Mười Vinh, là cơ
sở cách mạng và kể hết sự tình.
- Bây giờ lo sao đây, chị Mười? - Bác Năm nói - Tiền không, vàng không.
Trên giao sắm lưới sắm thuyền để ra Bắc...