HUYỀN THOẠI TÀU KHÔNG SỐ - Trang 53

Má Mười bảo:

- Được, để tui lo coi!

- Chị lo? - Bác Năm ngạc nhiên - Một chiếc ghe 6 tấn cỡ bao nhiêu chị rành
không? Cả chục cây vàng. Một tấm lưới còn tươm tươm cũng xấp xỉ cỡ đó.
Rồi xăng dầu, gạo muối. Sơ sơ cũng ba chục lượng vàng chớ ít sao?

Má Mười ghé sát tai Bác Năm:

- Tui gom góp có 10 lượng, bây chừ cho cách mạng vay, được không?

- Thiệt vậy sao, chị Mười?

- Thiệt!

- Chu cha... Nhưng vẫn chưa đủ.

- Chưa đủ thì vay mượn thêm. Biết xoay xở sẽ xuôi. Chừ tui lo việc mua
thuyền lưới, anh dành thời gian lo việc khác, ưng chưa?

Và má lo được thật! Má lo bằng cách nào, cho tận tới lúc này, Bác Năm
Đông cũng chỉ cười và nói: “chịu bà Mười quá!”. Quả là một việc kỳ lạ,
huyền diệu...

- Nhưng muốn biết kỹ, biết chi tiết, phải xuống Long Đất nghe, mấy đứa ra
Bắc thời sáu hai (1962) còn ở cả dưới ấy... - Cuối cùng bác Năm nói.

Hôm sau, từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xuôi xuống Phước Hải,
Long Đất. Đường rộng hai làn xe chạy. Phước Hải đổi thay nhiều quá! Chợ
mới xây. Nhiều nhà cao tầng mọc lên. Phước Hải không còn là làng chài bé
nhỏ như mấy năm trước, mà đã nhanh chóng trở thành một thị trấn sầm uất.
Tuy vậy, Phước Hải vẫn mang đặc trưng của một vùng quê sống bằng nghề
biển. Một làng đánh bắt và chế biến hải sản không thể lẫn. Hương vị sặc
mùi biển ngai ngái, mằn mặn không chỉ toả ra từ những thùng chượp được
nắng, từ những xâu cá nỏ cong phơi lủng lẳng quanh sân, quanh nhà, ngoài
bãi cát, mà hình như cái hương vị đặc trưng đó còn toả ra từ hàng cây, từ
con đường cát hẹp, từ mỗi con người, từ lời chào mời, từ ánh nhìn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.