HUYỀN THOẠI TÀU KHÔNG SỐ - Trang 74

lớn hơn, mang tính lâu dài”, người chỉ huy bến đã nói thế. Chỗ này cần
được thông cảm. Quả rằng nếu địch đánh hơi thấy chúng ta có một con
đường trên biển đưa vũ khí vào chiến trường, thì miền Đông mãi mãi đói
súng đạn. “Thưa anh Ba, tôi xin ở lại với con tàu, nếu có triệu chứng lộ, tự
tôi sẽ giựt bộc phá, phi tang chứng cứ, lúc đó vẫn chưa muộn”. Nghe tôi nói
vậy, người phụ trách bến có phần ngạc nhiên, và rồi cũng xuôi xuôi. Việc
cần nhất lúc này là khẩn trương lấy hàng. Nước cạn, chúng tôi đứng thành
hàng, chuyền tay từng hòm súng, hòm đạn. Trên bờ đã có anh em bộ đội.
Gần sáng, hàng chưa bốc hết, nhưng đành ngưng việc. Anh Một cố đánh tay
lái nhằm xoay mũi con tầu về phía đồn Phước Hải để nếu trên đó nhìn
xuống, thấy nó không mấy lớn, rồi đưa anh em lên bờ. Tôi ở lại. Ông Năm
Sao lấy lý do thợ máy không được phép rời tầu, nhất quyết không đi. Tôi
đành đồng ý. Ông Năm đã có tuổi, người Trà Vinh, trước là thợ máy xưởng
Ba Son. Những năm đánh Pháp làm công nhân quân giới. Ông giỏi nghề
sông nước nên cấp trên điều ra Bắc, sung vào đơn vị chúng tôi. Ông đã đi
rất nhiều chuyến, kể cả chuyến mở đường đầu tiên năm 1962 vào Cà Mau.
Chuyến nào khó khăn, quan trọng, trên lại điều thợ máy Năm Sao. Có ông
trên tầu, chúng tôi thiệt an tâm. Chỉ nghe tiếng máy là ông rõ nó hỏng chỗ
nào. Lành nghề hết sức, lại chẳng biết say sóng là gì. Dẻo dai, cứng chắc
như khúc gỗ đước. Tầu qua đâu, ngửi mùi biển là đọc ra được địa danh chỗ
đó. Sau bẩy lăm, ổng trở lại quê hương Trà Vinh. Khi đi, làm thợ máy, trở
về cũng chỉ là anh thợ máy. Không quân hàm, chức tước, địa vị. Dân
thường. Tham gia cách mạng như nghĩa vụ phải làm của người dân ở một
nước bị xâm lược, vậy thôi. Mấy năm trước nghe tin ổng mất, nhưng đường
xa, sức yếu, tôi đành cáo lỗi, không xuống được miền Tây thắp nén nhang.
Nhớ ông Năm lắm! Cái chuyến đi Bà Rịa đó, nếu không có ổng, tôi chẳng
rõ mình xoay trở ra sao... Con người ấy mới đáng được phong anh hùng
chớ!

Ông dừng lại. Tôi nhận ra nơi vầng trán ông có cái gì đó như thể nỗi suy tư,
trăn trở. Ông dốc một ngụm lớn rượu vào cổ, lắng nhìn về phía biển. Quá
khứ như thể những lớp sóng đang hiện trong mỗi nếp nhăn nơi gương mặt
sạm nắng và gió.

... Hai người, Đặng Văn Thanh và Huỳnh Văn Sao kéo lá cờ ba que lên
đỉnh cột buồm. Xong, họ cài kíp nổ vào nửa tấn bộc phá vốn đã chuẩn bị

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.