nhỏ đi vào giữa luồng cá đang tìm chỗ đẻ, nó đang rực trứng mà tất cả vùng
quẫy lên thì thuyền đắm chứ chả chơi.
- Cá vượt lên bãi nhiều thế dân trong vùng có biết không, có đua nhau
đi bắt cá đẻ không?
- Bẩm, dân chúng cháu ở vùng này chẳng ai không biết mùa cá đẻ,
nước cá đẻ, không ai nỡ giết thịt một con cá sắp đẻ trong bụng chứa cả vạn
chiếc trứng, thất thoát cũng nở được cả ngàn cá con. Mấy lại từ xa xưa đã
có lệnh cấm đánh bắt mùa cá đẻ, cấm săn bắn khi mùa thú động hớn cho
nên mùa cá đẻ thì các dụng cụ đánh bắt hoặc là gác lên, hoặc là đem phơi
phóng hoặc sửa chữa. Còn mùa xuân thì cấm chặt cây, cấm hái măng.
- Tiểu tướng có biết các lệnh cấm này ban từ đời nào không?
- Dạ, biết làm sao được ạ. Bởi cứ đời nọ truyền đời kia, sau nó trở
thành thói quen phong tục, hễ có ai làm trái điều đó tức là vi phạm đến
thuần phong mỹ tục của cộng đồng làng xã. Với lại thưa đại quan, mình
sống cũng phải để cho các loài chung sống, bởi dưới gầm trời này là trời để
cho muôn loài cùng sống chứ đâu chỉ dành cho mỗi một loài người.
Trần Nhân tông thấy người lính mộc mạc nói về sự sống của muôn
loài hồn nhiên như cây cỏ, mà lại hợp với lòng từ bi bác ái của nhà Phật.
Mới hay Phật nói mọi người, mọi vật đều có Phật tính quả là một chân lý.
Chân lý ấy giản dị như cuộc sống. Chân lý ấy là cuộc sống đời thường.
Bỗng từ trong đám lau lách bên bờ sông một lá thuyền lao vút ra dòng
sông. Đầu mũi thuyền cắm lá cờ đuôi nheo. Viên đô tướng vừa nhác trông
thấy vội hô to:
- Thượng tướng quân! Thượng tướng quân! Có mệnh quan! Các tay
chèo căng sức đuổi. Một lát, thuyền đi trước dường như đã nghe thấy và đi
chậm lại. Trần Nhật Duật ngoái nhìn thấy lá cờ nhỏ cắm nơi đầu mũi
thuyền. Biết vua ngự giá, ông sai thuyền quay mũi đón thuyền vua.
Thoáng chốc hai thuyền đã áp mạn.
Vua Nhân tông chạy ùa ra ôm lấy bờ vai Trần Nhật Duật, nói như reo:
- Chú Chiêu Văn!