- Bệ hạ có nhớ chuyến đi An Bang, tức là đi thăm Tịnh Bang ấp của
anh Trần Tung cũng vào một buổi chiều như thế này gần cuối năm Quý Mùi
(1283) không?
- Nhớ. Nhớ chú Chiêu Văn ạ, chuyến đi ấy còn có hoàng cô An Tư và
Yến Ly sau là nghĩa nữ của Thăng Long, nghĩa nữ của Đại Việt.
Vẻ ngậm ngùi vua Nhân tông bộc lộ:
- Chú Chiêu Văn à, cho đến bây giờ tôi vẫn còn ân hận về việc chấp
nhận đưa hoàng cô sang trại giặc. Nói rằng hoàng cô đi để làm thư quốc
nạn, nhưng Thoát-hoan có nới tay với ta chút nào đâu. Việc ấy cứ ám ảnh
tôi mãi.
- Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, điều đó An Tư hiểu rất rõ
nên đã mở hẳn một sở may áo ấm và túi đựng trầu, lại đan cả túi đựng tên
cho binh sĩ. An Tư còn dành ngôi nhà đẹp nhất trong cung An Tư làm kho
chứa vật phẩm trước khi đem đi trao tặng. Thần nhớ chính An Tư đã đem
các sản phẩm do chủ tớ làm ra trao tận tay cho binh đội của Quốc Toản. Vì
rằng Quốc Toản là con mồ côi cha, là một thiếu niên có lòng yêu nước nồng
nàn muốn được hiến trọn đời mình cho công cuộc cứu nước. Cảnh mẹ góa
con côi, điền trang thái ấp đâu có còn được như các vương, các hầu khác.
Vừa cảm thông vừa cảm phục hoàn cảnh và nhân cách của Quốc Toản, An
Tư lấy đó làm gương và đã dấn thân như một tráng sĩ. Việc An Tư chấp
nhận vào trại giặc, phải nói đấy là việc làm của một người lính cảm tử, ngay
cả đấng nam nhi chưa hẳn đã dám làm. Việc làm ấy nó xuất phát từ lòng
yêu nước của con dân Đại Việt, can dự gì đến bệ hạ mà bệ hạ cứ phải day
dứt. Nếu bệ hạ day dứt, ta chắc vong linh An Tư không thỏa đâu, bởi em ta
cho đó là sự xúc phạm. Vì như thế có nghĩa là em ta bị tước đoạt quyền yêu
nước. Bệ hạ nghĩ rằng mình giữ ngôi nước là mình có quyền phân phối lòng
yêu nước ư? Dù có mang trọng tội thần cũng phải nói rằng, nếu quả đấng
chí tôn nghĩ vậy và làm như vậy là nguy cơ mất nước đấy. Tại sao máu của
hàng chục vạn dân chúng đổ ra để giữ nước thì được chấp nhận như là sự
đương nhiên trong khi vài chục người trong hoàng gia đổ máu cũng là để
góp phần giữ nước thì lại phải băn khoăn day dứt. Vậy có phải máu của
hoàng gia là châu ngọc, còn máu của trăm họ chỉ là một thứ nước lã chăng?