- Chữ nghĩa của anh Quốc Tuấn thì khỏi phải bàn. Với Yến Ly mà
dùng “lưỡng quốc” là quá đúng. Vì rằng nàng ấy không chỉ đền ơn Đại Việt
ta cưu mang, mà nàng còn phải báo hiếu cho đất nước đã sinh thành ra nàng
và cả cha mẹ nàng nữa. Bệ hạ có được tin tức gì về cha mẹ nàng không?
- Sau chiến tranh được ít lâu, bá phụ có cho người đến báo tin buồn
cho cha mẹ nàng, gửi lời cảm tạ của Đại Việt và gửi ít bạc vàng cho ông bà
chi dụng.
Hai ông bà đều rơi lệ đáp rằng - “Yến Ly mất đi khiến chúng tôi đau
lòng, nhưng các việc Yến Ly làm lại khiến chúng tôi hài lòng. Việc làm đó
không chỉ là giúp đỡ Đại Việt mà còn là danh dự của người Trung Hoa
chúng tôi. Lũ chó săn trong giới cầm quyền trước kia bợ đỡ quân Kim, nay
lại ôm chân quân Mông Cổ, nhưng dân Trung Hoa chúng tôi sẽ đánh giặc
đến cùng, làm được gì giúp quý quốc chúng tôi không ngại”. Bạc vàng
người ta không nhận nhưng lại tìm thêm người thân tín giúp ta. Vì vậy tin
tức lấy được càng ngày càng có giá trị và qua nhiều nguồn, nên kiểm xét
được ngay từ gốc. Tin đã đưa về đến Thăng Long đều đáng tin cậy cả. Nhân
đây tôi phải dặn trước chú điều này, nếu sắp tới giặc Bắc lại sang, chú cho
người cất giấu hai tấm mộ chí ấy đi kẻo giặc biết nó phá mộ mất.
- Giặc Bắc nhất định lại sang, điều đó thần chẳng chút nghi ngờ. Sau
đợt tập trận này thần sẽ làm ngay việc cất giấu mộ chí của cả hai liệt nữ kẻo
giặc xâm phạm. Quân Mông Cổ thì hung hãn, lũ Hán gian thì hiểm độc, hèn
hạ. Hai kẻ này kết hợp với nhau mà chúng thi thố hết các ngón nghề thì
không có một loại ác thú nào có thể so đọ được với chúng.
Thuyền của thượng tướng chở nhà vua ngược dòng tới gần chỗ du
binh thì quay lại. Trên đường đi, nơi nào ém quân thủy, phục quân bộ Trần
Nhật Duật đều tâu báo với nhà vua rồi cho thuyền quay mũi.
- Sao lại quay về? - Vua hỏi.
- Tâu, hôm nay mới bày trận, dàn quân. Chiều mai địch mới gặp du
binh ta khiêu chiến.
Đi một đoạn, nhà vua lại hỏi: