Nghe thượng tướng phản bác một cách gay gắt, vua Nhân tông lạnh
toát cả sống lưng và như chợt ngộ ra một điều rằng, bất cứ một con dân nào
trong nước bằng cách làm riêng của mình mà gây thiệt hại cho giặc, góp
phần giết giặc, cứu nước thoát họa xâm lăng, ấy là người yêu nước chân
chính. Thế thì việc hoàng cô vào trại giặc gặp lại Yến Ly và hai người cùng
hành động làm suy yếu tinh thần giặc, lại thông được tin tức ra ngoài cho
quân ta. Quả đó là những bậc nữ lưu đáng trọng, trong đời hiếm gặp. Trong
hoàng gia có người đem tính mệnh mình ra để cùng toàn dân cứu nước, đó
chẳng phải là điều đáng hãnh diện lắm sao. Vậy mà bấy lâu nay ta cứ
thương hoàng cô theo kiểu thương đàn bà. Chợt nhà vua quay ra nói với
Trần Nhật Duật:
- Chú Chiêu Văn, nhờ chú nổi xung mà tôi ngộ ra đấy. Đúng là tôi
thương hoàng cô theo tình ruột rà máu mủ mà quên phần trách phận của
mỗi con dân đối với nước khi đất nước lâm nguy. Đất nước lâm nguy khác
nào nhà cháy từ hai đầu. Ai đem vật gì cản lửa, dập tắt lửa, cứ thế nhảy vào
đám cháy mà trị lửa, chứ cần gì phải xin phép ai, hoặc chờ ai sai bảo. Đúng,
chú nói có lý, tôi ngộ ra rồi.
- Bệ hạ không giận thần chứ? - Nhật Duật vừa cười vừa nói.
- Chú nói phải sao có thể giận. Nhẽ ra phải đưa chú về giữ chức tả
hữu gián nghị. Bởi chú phân biệt phải quấy rất rõ ràng. Nhưng điều đáng
quý là ở chỗ dám dũng cảm nói ra. Nhận biết phải quấy thì nhiều người
nhận biết được. Nhưng dám nói ra điều đó trước bề trên chắc không phải ai
cũng làm được. Tôi bận quá, lâu ngày không đến thăm phần mộ hoàng cô
và Yến Ly được, chẳng hay chú có dịp lui tới.
- Thần thỉnh thoảng vẫn ghé thăm, anh em vẫn trò chuyện với nhau
như ngày nào An Tư còn sống.
- Tôi nhớ bá phụ viết hai cái mộ chí thật là thấu lý đạt tình. Hai ngôi
mộ nằm song song như hai người bạn khi còn sống. Bên mộ hoàng cô, mộ
chí viết: “An Tư - liệt nữ chi mộ”. Bên mộ Yến Ly, mộ chí viết: “Yến Ly -
Lưỡng quốc liệt nữ chi mộ”.