- Ngày trước cứ gặp chú lúc nào cũng nghe có cả một bầy vũ nữ ca
hát. Bây giờ họ đi đâu hết rồi. Tôi cứ nghĩ có ba thứ chú không bỏ được.
- Ba thứ gì nào.
- Âm nhạc, rượu và gái.
Trần Nhật Duật ôm lấy nhà vua vừa cười vỡ ra vừa cù vào nách nhà
vua. Hai chú cháu ôm nhau cười giãy giụa khiến lá chuối xô dạt. Đoạn Nhật
Duật nói: - Phàm việc lớn Khẩm (tên húy của vua Nhân tông) thường tỉnh
táo nên sáng suốt và ít khi mắc sai lầm. Riêng việc này của mỗ, Khẩm có
cái nhìn lệch lạc, coi mỗ như kẻ phàm phu lãng tử. Lãng tử đúng là cái tạng
của Chiêu Văn, còn phàm phu thì không phải. Mỗ nói để Khẩm hiểu này.
Trước hết âm nhạc là tiếng nói của tâm hồn được cất lên thành lời ca thông
qua các nhạc khí và nhạc công, ca công. Mỗ phải đặt lời rồi chế nhạc lại dạy
cho họ đàn và hát. Vậy tiếng hát ấy chính là tiếng lòng của mỗ chứ. Ai cũng
có tiếng lòng nhưng không phải ai cũng tấu được nó lên đâu, phải là các thi
sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ. Đấy là trời chỉ riêng cho ba cái anh sĩ đó chứ thế gian có
muốn cũng không được. Vậy chớ Khẩm chịu chưa.
- Riêng điều này thì Khẩm chịu.
- Còn rượu. Rượu mỗ chỉ đem ra uống khi vui bạn bè như nghe nhạc
hoặc lâu ngày mới gặp lại bạn thân, hoặc khi nhà vua ban rượu, hoặc khi
giỗ chạp thượng hoàng cho phép uống say. Tuy vậy, trong đời mỗ tới lúc
này chưa ai bắt gặp dù chỉ một lần nát rượu hoặc tỏ ra bê tha vì rượu. Khẩm
thấy mỗ nói có đúng không nào?
- Đúng! Công nhận chú nói đúng.
- Hà hà… Uống rượu mà như thế thì là tiên tửu chứ, thiên hạ phải lấy
mỗ làm gương chứ, Khẩm phải tuyên dương mỗ trước bá quan và bách tính
chứ.
- Về cái khoản rượu thì chú giữ được sự chừng mực, nhưng lấy đó
làm gương cho các quan và dân chúng thì Khẩm này không làm đâu.
- Cái đó tùy Khẩm thôi, chẳng tuyên lúc này thì tuyên lúc khác, còn
mỗ bao giờ cũng vẫn là mỗ.