Cả ba chàng trai đang viết đều ngừng tay và ngoái nhìn khách, cất lời
chào lễ độ làm đẹp lòng khách.
Họ buông bút, lau các vết mực trên tay rồi mời khách ra sàn.
Trương Hán Siêu đang đọc dở một bảng chữ liền xin phép hỏi:
- Xin các đàn anh thứ lỗi, chúng tôi vừa đường đột vừa tò mò, liệu có
phải quý anh viết lời hiệu triệu đánh giặc Thát không ạ?
- Dạ, đúng vậy. Chẳng là lần đánh giặc trước, hương tôi đây tất bật
chuyển lương cho quân lại chuyển cả kho lương nhà nước gửi đem giấu
trong rừng thành thử không kịp viết. Lần này nhân giặc chưa vào cõi, nên
có thì giờ, anh em chúng tôi được ban “Bảo hương kháng giặc” sai viết.
Tưởng có thể viết nhanh như viết trên giấy học, nhưng khi viết vào bảng
khổ chữ to cũng lâu mà cũng không dễ.
Phạm Ngũ Lão nhẩm đọc: “Tất cả các quận huyện trong nước nếu có
giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép
lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”.
Nhìn người đứng trước tấm bảng có tư chất là một nho sinh, Phạm
Ngũ Lão xá một xá rồi khen:
- Tôn huynh chữ tốt quá, chân phương, chữ có cốt như cốt rồng.
Người kia đáp:
- Tôn huynh quá khen. Bởi đây là lời dụ bảo của hoàng thượng với
bách tính, tôi phải chọn lối viết này vừa tỏ lòng tôn kính quốc vương vừa để
cho mọi người dễ đọc.
Trương Hán Siêu từ nãy vẫn nhìn vào tấm bảng mà người nho sinh
đang viết và nhẩm đọc:
“Năm đầu niên hiệu Trung thống ngày… tháng… Chiếu văn của Thế
tổ thánh đức thần công văn võ hoàng đế chỉ dụ cho vua nước Nam…
Trương Hán Siêu hỏi có phải tôn huynh muốn viết tiếp, rồi ông đọc
to: “… hiểu dụ cho quan liêu sĩ thứ nước ngươi… phàm mũ áo, điển lễ,
phong tục cứ theo như chế độ cũ, không cần phải thay đổi… Ngoài ra ta