Chỉ loanh quanh vùng sông nước trong đất chúng thôi, chứ ra biển khơi
thần sẽ dìm chết.
Hốt-tất-liệt nhìn Trương Văn Hổ mỉm cười, dường như nhà vua đã
tạm hài lòng khi trao công việc hệ trọng cho y. Đoạn ngài thong thả dụ bảo:
- Ta biết cha con khanh vốn dòng hảo hán, nhưng lương thực là sự
sống còn của một đạo quân. Hơn nữa ta cũng muốn nam chinh lần này là
lần cuối, nên nhất nhất mọi việc đều phải cẩn trọng, tối cẩn trọng, khanh
chớ coi thường quân thủy của người Giao Chỉ. Ngưng lại giây lâu thiên tử
dụ tiếp: - Khanh hoàn tất công việc giúp Trấn Nam vương bình xong Giao
Chỉ, ta sẽ thăng thưởng xứng đáng.
Trương Văn Hổ sụp lạy:
- Tạ ơn thiên tử ban trọng ân.
Thiên tử nhà đại Nguyên lo việc đánh Giao Chỉ lần này hết sức chu
đáo. Qua hai lần chinh phạt vào các năm Đinh Tỵ (1257) và Ất Dậu (1285)
quân thiên triều rốt cuộc bị hãm vào thế thất lợi đều phải rút về và số thiệt
hại lần nào cũng tới quá nửa. Đó là điều thiên tử nhà đại Nguyên không thể
nào chấp nhận được. Dưới gầm trời này có kẻ nào dám kháng mệnh thiên tử
nhà đại Nguyên như xứ Giao Chỉ. Dưới gầm trời này có quan quân nước
nào dám chống lại binh uy thiên tử nhà đại Nguyên như xứ Giao Chỉ.
Giao Chỉ dám cản đường binh uy thiên tử tiến xuống phương nam.
Giao Chỉ là một cái gai trước mắt ta. Lần này ta phải nhổ phăng chiếc gai
đó đi để đại binh ta thâu tóm Chiêm Thành, Chân Lạp, Lão Qua, Xiêm La,
La Hộc… để dân chúng các nước đó được hưởng ân trạch của thiên triều.
Để làm việc đó ta đã lo chuẩn bị chu đáo cho Trấn Nam vương. Nhất
là về mặt quân thủy, lần này ta cho đóng thuyền lớn thuyền nhỏ, bởi vì vào
một xứ sông ngòi chằng chịt như Giao Chỉ mà ít thuyền bè là bất tiện.
Chính sự bất tiện về thuyền bè và lương thảo như cuộc chiến năm Ất Dậu
khiến quân ta lâm vào thế bất lợi. Mưa lớn lại gặp lúc triều cường, Hưng
Đạo huy động cả chục vạn quân thủy bộ đánh vào trại thủy quân A Lỗ,
khiến vạn hộ Lưu Thế Anh trở tay không kịp. Cũng từ đó quân ta gặp thất
lợi liên tiếp buộc phải bỏ đất mà rút quân về.