- Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ, bao giờ thì khanh cho xếp lương thực
xuống thuyền, có sợ trễ không?
Trương Văn Hổ vội quỳ thưa:
- Tâu thiên tử, thần chỉ xin ba ngày trước khi xuất chinh để xếp lương
thực và cho thuyền rời bến là đủ. Thần không dám tự tiện cho lương thực
xuống thuyền trước, nhằm tránh gió bão bất thường, bởi hiện thời vẫn chưa
hết mùa gió bão.
- Khanh trù liệu như vậy rất hợp ý quả nhân.
Được vua khen, Trương Văn Hổ lại cúi rạp đầu lạy tạ:
- Đội ơn thiên tử ban trọng ân, thần nguyện đem hết sức trâu ngựa để
đền đáp.
Hốt-tất-liệt nhìn tả hữu tỏ vẻ hài lòng liền ân cần dụ bảo:
- Ta sẽ sai Tư thiên giám coi ngày tháng để xuất chinh, nhưng cũng
phải đợi sang mùa đông. Mùa đông thuận cho quân ta nhiều lắm. Trước hết
tránh được cái nóng, ẩm của phương nam, vì thế người, ngựa đều hợp với
sở trường. Thứ đến là việc tải lương và quân thủy của ta tiến vào Giao Chỉ
vừa hết mùa gió bão, lại đúng mùa gió bắc, nếu căng buồm mà đi, chắc còn
nhanh hơn cả sức ngựa.
Thiên tử đưa mắt nhìn tới từng viên tướng và với tất cả sự nghiêm
cẩn, ngài dụ:
- Các tướng hãy nghe đây. Lần này ta cho đại binh cùng các tướng tài
tâm phúc của ta đi bình Giao Chỉ, ta chắc mọi việc sẽ xong sớm, nhưng chớ
thấy Giao Chỉ là nước nhỏ mà tỏ ra coi thường. Ta biết các tướng phần
nhiều đã qua chiến trường Giao Chỉ trở về mới cách đây chưa đầy hai năm.
Ngẫm nghĩ giây lâu thiên tử lại dụ: - Các khanh phải viết ngay vào vạt
áo lời ta dặn: “Chớ thấy Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường”.
Các tướng đều hô vang:
- Tuân chỉ! Mọi người đều ra phía thư phòng ghi lời thiên tử dụ bảo
vào vạt áo.