- Một lần nữa ta nhắc nhủ các khanh, chớ ỷ lại vào binh uy hùng
mạnh mà coi thường kẻ địch. Muốn thắng giặc thì lúc nào cũng phải coi
giặc ngang sức hoặc hơn sức ta, và phải đánh thắng ngay từ trận đầu để lấy
khí thế cho quân.
Các tướng đã ngà ngà say, đồng thanh hô:
- Tuân chỉ!
Hốt nhiên, thiên tử lại hỏi:
- Năm ngoái, ta đã nghe các khanh tâu báo, nay sắp xuất chinh, ta
muốn nghe lại một lần nữa về võ khí của bên ta, bên giặc, bên nào hơn. Ta
nghe nói Giao Chỉ có viên thượng thư bộ Công, đỗ trạng nguyên năm mười
ba tuổi, có tài chế tác nhiều loại khí cụ tinh xảo lắm, liệu y có gây cản trở gì
cho quân ta không?
Thoát-hoan đưa mắt cho Áo-lỗ-xích.
Ngầm biết Trấn Nam vương sai, Áo-lỗ-xích bèn thưa:
- Tâu thiên tử, thần xin tâu báo rạch ròi để thiên tử yên tâm. Hiện nay
về binh lực kể cả hai quân thủy bộ, Giao Chỉ có mười vạn tên. Đây là số
quân đã được huấn hỗ theo Hưng Đạo binh pháp. Ngoài ra Giao Chỉ còn
khoảng hai chục vạn quân ô hợp là loại nông phu được tập tành qua loa để
biết sử dụng các loại binh khí như giáo, mác, đinh ba, mã tấu hoặc các loại
cung nỏ. Tâu, loại này nó gọi là dân binh, còn loại của triều đình nó gọi là
thường binh. Ngoài ra còn có khoảng năm ngàn quân bảo vệ cấm thành gọi
là quân cấm vệ cùng với một vạn quân bảo vệ kinh thành gọi là quân Tứ
sương. Tâu, các vương, hầu cũng được phép lập phủ binh, nhưng mỗi phủ
binh ấy lúc thường chỉ có vài ba trăm tên, khi có biến thì tập hợp được một
hai ngàn tên là cùng. Loại này cũng là một thứ điền binh hoặc dân binh
không thể so với loại thường binh hoặc quân cấm vệ được.
Về các sắc quân, người Giao Chỉ cũng chia ra: quân thủy, quân bộ,
quân kỵ và tượng binh.
- Ta nghe nói thủy binh và tượng binh của Giao Chỉ lợi hại lắm có
đúng không? Hốt-tất-liệt hỏi.