Lần này quân thủy, thuyền bè và lương thực ta phải ra tay đốc thúc.
Ấy cũng bởi ta muốn bình cho xong Giao Chỉ, ta muốn lấy đầu cha con
Nhật Huyên và xem cái gan của Hưng Đạo nó như thế nào.
Hốt-tất-liệt không lúc nào quên chuyện đánh Giao Chỉ.
Bỗng nhiên an phủ sứ Quỳnh Châu là Trần Trọng Đạt xin được dâng
thiên tử mười lăm ngàn quân người Lê và một số thuyền bè để Trấn Nam
vương bình Giao Chỉ.
Theo gương an phủ sứ Quỳnh Châu, tổng quản Nam Ninh là Tạ Hữu
Khuê, tổng quản Diên Lan là Bồ Tý Thành, hai người dâng thiên tử một
trăm hai mươi chiếc thuyền và một ngàn bảy trăm quân nữa.
Hốt-tất-liệt lấy làm đẹp lòng bởi các bề tôi trung thuận, liền ban hổ
phù cho Trần Trọng Đạt, kim phù cho Hữu Khuê và Tý Thành.
Thiên tử cho như vậy là thế quân đã nổi, nhà vua bèn tuyên triệu các
tướng trong “Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh” về triều để ngài hỏi han
việc chuẩn bị và định ngày xuất chinh.
Các tướng về chầu theo chiếu chỉ của thiên tử, không một người nào
dám chậm trễ hoặc vắng mặt. Thoạt đầu là Trấn Nam vương Thoát-hoan
thống lĩnh chư quân. Tiếp đó là bình chương chính sự Áo-lỗ-xích phó đô
thống, giúp rập mọi việc chinh thảo cho Thoát-hoan. Tham tri chính sự Ô-
mã-nhi; tham tri chính sự Phàn Tiếp; hữu thừa A-ba-tri; hữu thừa Trịnh
Bằng Phi; tả thừa A-ly… tất cả đều dưới trướng Thoát-hoan. Tuy không
phải là hàng quan cao được ở dưới trướng Trấn Nam vương, nhưng giữ việc
vận lương là bộ phận huyết mạch của đại quân, nên thiên tử đặc cách cho
Trương Văn Hổ tham dự việc quân.
Thoát-hoan tâu báo đã điều động xong các chủng quân mã, bộ, thủy
còn lương thực cũng đưa hết về các kho trên hai cảng Khâm, Liêm chỉ chờ
thiên tử hạ chiếu là xuất chinh.
Thiên tử gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Đoạn nhà vua quay về phía Trương
Văn Hổ hỏi: